Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung có thể là tin tốt với Việt Nam, Brazil, Mexico

truong.bui

12/05/2019 21:29

Các ngành sản xuất hay nông nghiệp ở các nước Brazil, Mexico và Việt Nam có thể hưởng lợi, nếu căng thẳng Mỹ-Trung tiếp tục gia tăng sau đợt nâng thuế mới đây.

Cuộc chiến thương mại giữa Washington và Bắc Kinh đã tạo ra những biến đổi trong thương mại toàn cầu, sẽ có người thắng, kẻ thua khi các doanh nghiệp cố gắng thích nghi với sự bất định ngày một gia tăng.

Mỹ đã chính thức nâng thuế đánh vào 250 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc từ 10% lên 25% hôm thứ Sáu tuần trước, trong một đợt căng thẳng leo thang mới ngay trong chuyến đàm phán của Phó Chủ tịch Trung Quốc Lưu Hạc tới Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng trước cho biết hai nước "đến rất gần" với một thỏa thuận mà nếu đạt được, sẽ chấm dứt gần một năm trả đũa thuế quan lẫn nhau, nhưng đợt áp thuế mới có hiệu lực có thể thay đổi cục diện.

Hệ thống thương mại toàn cầu đã bị rung chuyển bởi các đợt trả đũa thuế quan qua lại giữa Mỹ và Trung bắt đầu từ tháng Bảy năm ngoái.

"Cho đến nay, thuế quan do Mỹ khởi xướng chủ yếu đánh vào các lĩnh vực thâm dụng lao động", Rob Koepp, giám đốc tại The Economist Corporate Network nói. "Các nền kinh tế có vị thế tốt trong các ngành này, như Brazil hay Việt Nam, có cơ hội tốt để nhảy vào và tận dụng cơ hội cung cấp các loại hàng hóa khi hàng Trung Quốc bị tăng thuế".

Số liệu thống kế hàng tháng chính thức cho thấy, kim ngạch xuất khấu của Việt Nam sang Mỹ tăng 29% trong tháng Tư, trong khi nguồn vốn đầu tư nước ngoài cũng tăng 215%, phần lớn đổ vào ngành sản xuất.

Một nghiên cứu công bố cuối năm ngoái của The Economist Intelligence Unit cho thấy nhiều quốc gia khắp châu Á có thể hưởng lợi từ việc lấp đầy chỗ trống khi ngành giày Trung Quốc giảm xuất khẩu sang Mỹ. Malaysia và Việt Nam được dự đoán sẽ trở thành bên hưởng lợi lớn nhất trong lĩnh vực sản xuất thiết bị công nghệ thông tin, trong khi Bangladesh, Ấn Độ và Việt Nam có khả năng tận dụng cơ hội này để thúc đẩy xuất khẩu ngành may mặc.

Tommy Wu, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Oxford Economics, nói: "Malaysia và Thái Lan có thể hưởng lợi vì họ có cơ sở hạ tầng sẵn có tương đối tốt và có môi trường thân thiện với doanh nghiệp hơn các nước Philippines hay Indonesia, vốn có lợi thế về mức lương thấp nhưng hạ tầng yếu kém hơn".

Tuy nhiên, Wu lo ngại căng thẳng thương mại Mỹ-Trung tái diễn thường có tác động tiêu cực tới thương mại châu Á.

"Có một sự chuyển hướng thương mại ở các nền kinh tế châu Á chứng kiến xuất khẩu sang Mỹ gia tăng, nhưng điều đó không bù đắp cho thương mại yếu kém nói chung".

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã hạ dự báo tăng trưởng cho nền kinh tế châu Á trong năm nay từ 5,7% xuống 5,6%, do căng thẳng thương mại Mỹ-Trung là một yếu tố cùng với những bất ổn khác như Brexit.

Nông dân trồng đậu nành ở Mỹ không hài lòng với mức thuế mới của Trump. Họ lo mức thuế trả đũa mà Trung Quốc đã áp vào hạt đậu của họ vào năm ngoái có thể tiếp tục cắt giảm doanh số xuất khẩu sang Trung Quốc.

Brazil chứng kiến sản lượng xuất khẩu đậu nành sang Trung Quốc đạt mức kỷ lục vào năm ngoái, cùng với các sản phẩm nông nghiệp khác.

Láng giềng Mexico của Mỹ cũng có thể hưởng lợi khi hàng hóa Mỹ ít phụ thuộc vào Trung Quốc hơn, có thể quay lại các ngành như nội thất, sản xuất đồ chơi và dệt may, vốn nước này đã để thị trường lọt vào tay Trung Quốc kể từ khi quốc gia đông dân nhất thế giới gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Marc Chandler, chiến lược gia trưởng tại Bannockburn Global Forex ở New York cho biết.

"Ngay cả khi hiêp định thương mại tự do mới (Nafta) chưa ký, Mexico vẫn đang vươn lên trong số các đối tác thương mại với Mỹ", ông nói. "Đồng peso Mexico có thể hưởng lợi trong cuộc chiến thương mại này".

Nhật Duy

truong.bui