Châu Á - Thái Bình Dương: Miền đất hứa của năng lượng tái tạo

truong.bui

31/05/2019 11:21

Ấn Độ, Australia, Nhật Bản, Việt Nam và Hàn Quốc là các nước thu hút phần lớn lượng vốn đầu tư vào ngành năng lượng tái tạo trong khu vực trong năm 2020.

Đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương ước tính đạt trên 30 tỉ USD vào năm 2020, vượt mức đầu tư thăm dò và khai thác trong ngành dầu khí, theo báo cáo gần đây của công ty nghiên cứu ngành năng lượng Rystad Energy của Na Uy.

Năng lượng tái tạo là năng lượng đến từ những nguồn được cho là vô hạn như ánh nắng mặt trời, sức nước, gió, sóng biển, địa nhiệt, nhiên liệu sinh học...

Dự báo của Rystad Energy không bao gồm Trung Quốc, nước có quy mô đầu tư hàng đầu vào năng lượng tái tạo lẫn dẫu khí.

Ấn Độ, Australia, Nhật Bản, Việt Nam và Hàn Quốc là các nước thu hút phần lớn lượng vốn đầu tư vào ngành năng lượng tái tạo trong khu vực trong năm 2020, dữ liệu của công ty nghiên cứu có trụ sở tại Oslo cho thấy.

"Các quốc gia này có kế hoạch phát triển mạnh mẽ các loại năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió xa bờ. Điều quan trọng là hầu hết các nước đều đặt mục tiêu lớn cho kế hoạch phát triển năng lượng tái tạo bổ sung nguồn năng lượng của họ, đi kèm với đó là các chính sách thúc đẩy phát triển", Gero Farruggio, trưởng bộ phận nghiên cứu năng lượng tái tạo tại Rystad Energy, cho biết trong một thông báo phát hành cuối tháng 5.2019.

Tại Việt Nam, gần đây, tập đoàn Na Uy Scatec Solar đã ký thỏa thuận hợp tác đầu tư dự án sản xuất điện từ năng lượng mặt trời trị giá 500 triệu USD vào Việt Nam. Theo Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam do Thủ tướng phê duyệt, sản lượng điện sản xuất từ năng lượng tái tạo dự kiến sẽ tăng lên 101 tỉ kWh vào năm 2020, từ mức 58 tỉ kWh năm 2015.

Đầu tư vào năng lượng tái tạo dự báo sẽ vượt qua dầu khí trong năm 2020. Đồ họa: Hùng Nguyễn
Đầu tư vào năng lượng tái tạo được dự báo sẽ vượt qua dầu khí trong năm 2020

Các nước châu Á trước đây thường dựa phần lớn vào than trong sản xuất năng lượng, nhất là từ khi than rẻ hơn khí thiên nhiên, mặc dù chúng gây ra ô nhiễm nhiều hơn.

Theo Farruggio, có một làn sóng các công ty thượng nguồn, tức các công ty thăm dò và khai thác dầu khí, đầu tư vào năng lượng tái tạo

Vào năm 2020, có khả năng các tập đoàn dầu khí lớn sẽ trở thành nhà phát triển năng lượng tái tạo hàng đầu của Australia, Farruggio dự báo. Hiện mới chỉ có 1% các dự án điện mặt trời, điện gió và dự trữ năng lượng nằm trong tay các ông lớn trong ngành dầu khí.

Trong khi đó, Ấn Độ có năng lượng tái tạo chiếm một quy mô đáng kể và dự báo sẽ dẫn đầu dòng vốn đầu tư trong khu vực. Quốc gia này thu hút nhiều vốn đầu tư vào ngành năng lượng mặt trời hơn than trong ba năm liên tiếp, theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF).

Chi phí đầu tư các tấm năng lượng mặt trời giảm cùng chính sách khuyến khích của chính phủ đã khiến ngành năng lượng mặt trời trở thành ngôi sao sáng tại Ấn Độ trong những năm gần đây.

Nhật Duy

truong.bui