Giải pháp nào cho du lịch lễ hội ở TP.HCM?

TS. Hà Thị Kim Phượng - Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM

13/06/2023 18:38

Lễ hội - một loại hình phức hợp của văn hóa phi vật thể luôn là linh hồn của các di sản văn hóa vật thể. Sự sống động của mỗi di tích chỉ có thể được tạo nên bằng các hình thức sinh hoạt văn hóa cổ truyền gắn liền với nó, đây là điều mà các du khách mong muốn được tìm hiểu khi đến với Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM).

Đặt vấn đề

 Lễ hội truyền thống (viết gọn là lễ hội) là hoạt động văn hóa truyền thống tốt đẹp của mỗi dân tộc có hàng ngàn năm lịch sử. Mang truyền thống đặc trưng của mỗi dân tộc, vùng miền, lễ hội phản ánh những nét đẹp văn hoá truyền thống, tôn giáo, tín ngưỡng, tính nhân văn riêng có. Đến với lễ hội ngoài việc tham dự phần lễ, thì phần hội cũng không kém phần đặc sắc và phong phú với sự tham gia của cộng đồng cùng các hoạt động diễn xướng, trò chơi dân gian ...

Để phát triển ngành kinh tế du lịch dài lâu, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều chú trọng đến vai trò của các lễ hội. Lễ hội có những ưu điểm vượt trội so với các loại hình du lịch khác như có thể phát triển quanh năm, tạo nguồn thu ổn định, mức tăng trưởng ngày càng lớn, mức đầu tư thấp, và đặc biệt góp phần tạo ra sinh kế cho cộng đồng dân cư - nơi du khách đến.

TP.HCM có tiềm năng phát triển du lịch lễ hội rất lớn, vì sở hữu một nguồn tài nguyên văn hóa rất phong phú, đa dạng, rộng khắp. Những năm qua, vai trò của lễ hội đối với phát triển du lịch ngày càng thể hiện rõ nét. Việc tìm hiểu về vai trò lễ hội truyền thống trong phát triển du lịch tại đây sẽ đem lại một số điểm nhìn tích cực cho thấy tầm quan trọng của lễ hội truyền thống.

le-hoi-ao-dai-3-1686655939.jpeg
Lễ hội Áo dài ở TP.HCM. Ảnh minh hoạ.

Tổng quan về du lịch lễ hội

Có thể hiểu, du lịch lễ hội là một loại du lịch mà mục đích chính là nâng cao hiểu biết cho cá nhân các giá trị văn hóa nhân văn khi họ trải nghiệm ở những vùng đất mới, cộng đồng mới. Đó có thể là những di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuât, phong tục tập quán của cộng đồng dân cư nơi mà du khách đặt chân đến. Xu thế quốc tế hoá trong sinh hoạt văn hoá giữa cộng đồng và các dân tộc trên thế giới được mở rộng, dẫn tới việc giao lưu văn hoá, tìm kiếm những giá trị về nền văn hoá nhân loại, về những miền đất lạ đã trở thành một nhu cầu cho nhiều tầng lớp dân cư trong xã hội. Du lịch không còn hoàn toàn là nghỉ ngơi giải trí đơn thuần, mà còn là hình thức nghỉ ngơi tích cực có tác dụng bổ sung tri thức, làm phong phú đời sống tinh thần của con người. Về bản chất, du lịch là một hoạt động văn hóa cao cấp của con người.

Lễ hội đang được tổ chức với quy mô ngày càng lớn và nhiều lễ hội đã trở thành biểu tượng của một quốc gia. Chính điều đó khiến một thành phố ban đầu là bình thường có thể trở thành “thành phố lễ hội”.

Ngày lễ hội là thời gian cư dân tụ họp để tưởng nhớ người có công với cộng đồng. Đây là sinh hoạt cộng đồng diễn ra long trọng, đem lại sự phấn chấn cho tất cả mọi người. Giá trị của lễ hội chính là giá trị cộng cảm và cộng mệnh. Lễ hội cũng chính là một bảo tàng văn hóa nơi lưu giữ các giá trị văn hóa và các sinh hoạt văn hóa qua các thời kì lịch sử được tái hiện lại ở nhịp sống đương thời.

Hiện nay, du lịch lễ hội ở nhiều quốc gia trên thế giới đã có bước tiến mới và đem lại những lợi ích kinh tế không nhỏ. Có thể điểm qua một số lễ hội như Lễ hội Carnival ở Rio de Janeiro (Brazil, gọi tắt là lễ hội Rio Carnival) “lừng danh thế giới chính thức khai mạc vào ngày 9-2 hàng năm và mang lại doanh thu khoảng 1 tỷ USD với hơn 1,5 triệu”[11] khách du lịch về cho thành phố này. Lễ hội bia Oktoberfes nổi tiếng ở Munich kéo dài từ 16/9 đến 3/10 thu hút trung bình khoảng “6 triệu lượt khách tham dự để thưởng thức các loại bia tươi nổi tiếng và những món ăn đặc sản của Đức với doanh thu từ lễ hội này ước tính khoảng gần 8 tỷ USD”[11].

cac-le-hoi-o-thanh-pho-ho-chi-minh-6043057016cc3-1686655939.jpeg
Nghi lễ tại hội miếu Ông Địa. Ảnh minh hoạ.

Ở khu vực châu Á có Lễ hội Té nước trong dịp lễ Tết cổ truyền Songkran tại Thái Lan. Mặc dù vào một số năm, Thái Lan gặp hạn hán nhưng lễ té nước truyền thống vẫn được diễn ra bởi đây là cơ hội để người Thái xúc tiến phát triển du lịch. “Tổng cục Du lịch Thái Lan cho biết, sự kiện này luôn thu hút khoảng 500.000 khách du lịch và đóng góp khoảng hơn 15 tỉ bath tương đương 427 triệu USD trong mỗi mùa lễ hội”.

Sức hấp dẫn của các lễ hội đang trở thành tiềm năng lớn để các nhà kinh doanh du lịch quan tâm đầu tư và khai thác. Du lịch lễ hội trên thế giới nói chung và ở TP.HCM nói riêng được ví như một mỏ vàng vẫn còn hoang sơ. Ở TP.HCM, mỗi năm có vài trăm lễ hội nhưng chưa được khai thác hiệu quả và thu hút mạnh mẽ khách du lịch. Hiện nay, mới chỉ khai thác hiệu quả các lễ hội lớn như Lễ hội Đường hoa Nguyễn Huệ, Lễ hội Đường Sách, Lễ hội Đền Hùng, Lễ hội Đức Thánh Trần, Lễ hội Bà Thiên Hậu, Lễ hội Lăng Ông - Bà Chiểu… Mới đây, ngày 25/3/2023, quận Bình Thạnh tổ chức lễ công bố sản phẩm du lịch "Bình Thạnh vùng đất thanh bình" với rất nhiều địa danh lịch sử nổi tiếng. Đây là chỉ dấu cho thấy, các sản phẩm lễ hội đang được các quận, huyện tham gia làm phong phú sản phẩm du lịch lễ hội cho Thành phố Hồ Chí Minh.

Mối quan hệ giữa lễ hội và phát triển du lịch

Mối quan hệ lễ hội - du lịch trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế có ảnh hưởng, tác động qua lại lẫn nhau. Trước hết là ảnh hưởng của lễ hội đối với du lịch. Lễ hội bản địa tạo nên tính độc đáo, đặc sắc, hấp dẫn của các sản phẩm du lịch. Từ đó góp phần đưa hình ảnh quốc gia, địa phương đến với thế giới bên ngoài một cách nhanh chóng, trực tiếp và sinh động. Lễ hội tiềm ẩn đằng sau du lịch là nhu cầu nội sinh thôi thúc du khách lên đường và khám phá những vùng đất mới, văn hóa mới.

Lễ hội tạo điều kiện cho việc phát triển du lịch bền vững, vì nó vừa là điểm nhấn thu hút du khách, vừa là cội rễ để bảo tồn bản sắc độc đáo trong sự giao lưu văn hóa đa dạng, tạo nên tính nhân văn cộng đồng. Đặc biệt biểu hiện trong việc kinh doanh du lịch như hành vi ứng xử và cách thức kinh doanh giữa công ty lữ hành với du khách, giữa cư dân địa phương tham gia làm du lịch với du khách, giữa con người với môi trường du lịch, thậm chí còn trong cả mối quan hệ giữa người dân không tham gia làm du lịch với du khách. Tuy lễ hội là nền tảng cho du lịch khai thác, phát triển, nhưng lễ hội cũng phải dựa vào du lịch để quảng bá. Đó là mối tương quan cơ bản và chặt chẽ, không thể tách rời, nhưng việc sử dụng, khai thác hiệu quả mối tương quan này như thế nào là điều cần quan tâm, nhằm đạt tới mục đích chung là sự phát triển của xã hội, hỗ trợ qua lại lẫn nhau.

Bên cạnh đó, du lịch cũng có tác động trở lại đối với lễ hội. Qua con đường du lịch, lễ hội bản địa được đưa đến với du khách qua những cách thức khác nhau: tham quan, khám phá, nghỉ ngơi, thưởng thức các loại hình nghệ thuật, giao lưu văn hóa... từ đó tăng cường sự đa dạng và hiểu biết lẫn nhau giữa các quốc gia, vùng miền. Sản phẩm du lịch đồng thời cũng là sản phẩm lễ hội vì du khách khi tới một vùng đất mới thì nhu cầu văn hóa tinh thần luôn đi đôi với nhu cầu văn hóa vật chất.

tong-hop-cac-le-hoi-o-thanh-pho-ho-chi-minh-noi-tieng-nhat-60456fe011bda-1686655939.jpeg
Khai mạc lễ hội Nghinh Ông. Ảnh minh hoạ.

Du lịch đem lại nguồn lực tài chính để phát triển lễ hội. Nguồn thu từ du lịch được sử dụng để bảo tồn và duy tu các công trình văn hóa hiện có, xây dựng mới các công trình văn hóa, tài trợ cho các hoạt động văn hóa, từ đó quay trở lại góp phần phát triển du lịch. Du lịch góp phần phát huy khôi phục giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể như các công trình kiến trúc văn hóa cổ, các loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống, các hoạt động sinh hoạt vật chất cổ xưa mang bản sắc địa phương. Du lịch cũng góp phần tích cực vào sự đa dạng của lễ hội, mang các nét văn hóa của du khách đến với lễ hội bản địa, du nhập những giá trị tốt đẹp từ các nền văn hóa bên ngoài và tôn vinh lễ hội bản địa trên phương diện vừa kế thừa vừa đổi mới.

Lễ hội và du lịch luôn luôn có sự tác động qua lại với nhau và cùng nhau phát triển làm hoàn thiện hơn ngành du lịch. Trước hết, hoạt động du lịch văn hóa có nhiều tác động tích cực đối với lễ hội. Du lịch văn hóa có những đặc trưng riêng làm cải biến hay làm hấp dẫn hơn lễ hội dân gian truyền thống. Du lịch mang đến nguồn lợi kinh tế và các loại hình sinh kế mới có khả năng tạo ra thu nhập cao cho các địa phương có lễ hội. Du lịch văn hóa nói riêng, du lịch nói chung tạo việc làm cho người dân địa phương thông qua dịch vụ như vận chuyển khách, bán hàng hoá, đồ lưu niệm,… Người dân vùng có lễ hội vừa quảng bá hình ảnh văn hoá về đời sống mọi mặt của địa phương mình, vừa có dịp giao lưu hoa văn hoá được du khách mang đến.

Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực, du lịch còn có những tác động tiêu cực đối với lễ hội nhất là lê hội dân gian. Với thời gian và không gian hữu hạn của các lễ hội truyền thống vốn chỉ phù hợp với điều kiện riêng của các địa phương, thực tế, khi khách du lịch tới đông sẽ làm thay đổi, đôi khi đảo lộn các hoạt động bình thường của địa phương nơi có lễ hội. Đồng thời, hoạt động du lịch với những đặc thù riêng của nó có khả năng làm biến dạng các lễ hội dân gian truyền thống. Vì lễ hội truyền thống có đặc tính mở thì vẫn còn những hạn chế nhất định về điều kiện kinh tế, văn hoá xã hội cổ truyền. Nay hoạt động du lịch mang tính liên chất, liên ngành, liên vùng, xã hội hoá cao,… sẽ làm mất đi sự cân bằng dẫn đến phá vỡ các khuôn mẫu truyền thống của địa phương trong quá trình diễn ra lễ hội. Hiện tượng thương mại hoá các hoạt động lễ hội như: Lừa đảo, bắt chẹt khách để thu lợi nhuận tạo hình ảnh xấu làm cho du khách có cảm giác hụt hẫng trước một không gian linh thiêng mà tính tôn nghiêm vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ, làm cho khách đi mà không muốn quay lại lần sau. Du khách đến với lễ hội kéo theo những nhu cầu mất cân đối trong quan hệ cung cầu dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường sinh thái nhân văn.

tong-hop-cac-le-hoi-o-thanh-pho-ho-chi-minh-noi-tieng-nhat-6061a6106cff0-1686655939.jpeg
Lễ Kỳ Yên đình Phú Nhuận - Hồ Chí Minh. Ảnh minh hoạ.

Lễ hội là nguồn lực quan trọng để phát triển du lịch lễ hội và ngày càng trở thành đối tượng thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế. Trong những năm gần đây, lễ hội được khôi phục mạnh mẽ, thậm chí làm mới để khẳng định bản sắc văn hoá địa phương, quảng bá du lịch và thu hút du khách. Điều này cho thấy du lịch đã góp phần phát triển lễ hội, môi trường văn hoá lễ hội theo chiều hướng tích cực. Chưa kể, trong điều luật 79 của Luật Du lịch Việt Nam đã xác định rõ, Nhà nước tổ chức hoạt động hướng dẫn du lịch, xúc tiến du lịch với các nội dung tuyên truyền giao tiếp rộng rãi về đất nước, con người Việt Nam, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử,… Do đó, lễ hội sẽ làm cho du lịch phát triển hơn, lễ hội làm cho du lịch trở nên hấp dẫn tạo cho số lượng khách đông hơn. Du khách đến lễ hội đông kéo theo những nhu cầu khác nhau, khi đó những mặt hàng ngành du lịch tăng lên.

Có thể nói, lễ hội là một kho tàng văn hoá, nơi lưu giữ những tín ngưỡng, tôn giáo, những sinh hoạt văn hoá văn nghệ, nơi phản ánh tâm thức con người Việt Nam một cách trung thực. Nhìn chung, lễ hội dân tộc Việt Nam gồm hai bộ phận: lễ hội truyền truyền thống cung đình và lễ hội dân gian. Với lễ hội dân gian, đây là nơi lưu giữ nhiều tín ngưỡng dân gian. Tín ngưỡng của lễ hội dân gian Việt Nam được biểu hiện dưới nhiều dạng như thờ cúng thần hoàng, thờ mẫu, thờ cúng tổ tiên, thờ cúng tổ nghề… Ngoài ra, các tín ngưỡng dân gian còn ẩn chứa các trò diễn như tín ngưỡng thờ mặt trời, mặt trăng, thần nước… Sự chứa đụng đó, khiến chúng ta khó nhận diện các tín ngưỡng cổ xưa ấy. Cùng với tín ngưỡng, nhiều lễ hội còn gắn với Ấn Độ giáo, Phật giáo, Thiên chúa giáo… Lễ hội còn lưu giữ nhiều sinh hoạt văn hoá văn nghệ đặc sắc. Nơi mở hội nhiều khi là những danh lam thắng cảnh, một môi trường giàu tính văn hoá. Chính địa điểm mở hội đáp ứng các tiêu chuẩn một điểm du lịch. Do vậy, lễ hội là một sản phẩm văn hoá đặc biệt. Ngành du lịch càng phát triển, càng gắn kết với lễ hội truyền thống. Tự thân ngành du lịch trong bước đường phát triển của mình tự tìm đến với loại sản phẩm văn hoá đặc biệt này. Đưa khách đến với lễ hội là nhằm giới thiệu đất nước, con người Việt Nam hôm qua, hôm nay; giới thiệu các giá trị về văn hoá, tín ngưỡng của lễ hội, tính dân tộc và tính phổ quát của lễ hội.

Lễ hội và sự phát triển du lịch ở TP.HCM

So với các tỉnh thành khác ở phía Bắc, Thành phố Hồ Chí Minh có số lượng các lễ hội không nhiều bằng, song là mảnh đất có các lễ hội phong phú, vì có nhiều cộng đồng dân cư sinh sống và có biển trong thành phố với Lễ hội Nghinh Ông (Cần Giờ). Bên cạnh đó, Thành phố Hồ Chí Minh còn sở hữu nguồn tài nguyên du lịch, văn hóa đa dạng, phong phú gồm hơn 200 tài nguyên văn hóa vật thể, hơn 100 tài nguyên nhân tạo, hệ thống bảo tàng, di tích cách mạng… Những điểm đến hấp dẫn du khách như Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi, Công viên văn hóa Đầm Sen, Khu du lịch văn hóa Suối Tiên, Làng du lịch Bình Quới, Khu du lịch Vàm Sát, Bảo tàng TP, Dinh Thống Nhất, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Chợ Bến Thành, Bưu điện thành phố, Nhà thờ Đức Bà…

Với sự phong phú về lễ hội như thế nên TP.HCM rất chú trọng và không ngừng đổi mới, sáng tạo trong các hoạt động du lịch, đặc biệt là các sản phẩm du lịch lễ hội, góp phần làm cho du lịch TP.HCM luôn có sức hấp dẫn, thu hút du khách. “Trong năm 2019, thành phố đã đón hơn 8,6 triệu lượt khách quốc tế và gần 33 triệu lượt khách nội địa. Tổng doanh thu ngành du lịch ước đạt 150.000 tỷ đồng, tăng 14,5% so với năm 2018 (cùng kỳ đạt 138.663 tỷ đồng) và đạt 100% kế hoạch năm” [9].  

Bên cạnh đó, TP luôn xác định phải xây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện và văn minh, giới thiệu hình ảnh một thành phố thân thiện, hấp dẫn và an toàn tới với bạn bè trong nước và thế giới.

tong-hop-cac-le-hoi-o-thanh-pho-ho-chi-minh-noi-tieng-nhat-6045716d2241c-1686656140.jpeg
Lễ rước tại hội chùa Bà Thiên Hậu. Ảnh minh hoạ.

Năm 2020, tình hình căng thẳng dịch bệnh Covid -19, “tổng thu du lịch năm 2020 đạt 84.512 tỷ đồng, giảm 39,6% so với cùng kỳ”[6]. Tuy nhiên, sang năm 2022, “tổng lượng khách du lịch đến TP.HCM ước đạt 28,5 triệu người, trong đó khách quốc tế ước đạt 3,5 triệu người, tăng 100% so với năm 2021. Lượng khách du lịch nội địa đến TP.HCM ước đạt 25 triệu lượt khách, tăng 167,4% so với cùng kỳ năm 2021. Khách kéo dài thời gian lưu trú, tăng chi tiêu đã giúp tổng doanh thu du lịch trong năm 2022 ước đạt 131.138 tỉ, tăng 196,4% so với cùng kỳ năm năm 2021” [7].

Theo đó, trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão, khách du lịch trong nước và quốc tế nườm nượp tới TP.HCM tham dự Tết cổ truyền và các lễ hội như lễ hội Đường hoa, Lễ hội Đường sách… giúp ngành du lịch thu hàng ngàn tỉ đồng. Theo số liệu thống kê sơ bộ của Sở Du lịch TP.HCM, “khách quốc tế đến trong dịp Tết Nguyên đán 2023 ước đạt khoảng 65.000 lượt. Khách tại các khu, điểm du lịch, các tụ điểm vui chơi giải trí và dịch vụ… ước đạt khoảng 1,7 triệu lượt. Khách lưu trú tại các cơ sở lưu trú ước đạt khoảng 250.000 lượt”. [8]

Năm 2023, TP.HCM định hướng thu hút “khách quốc tế đến khoảng 5 triệu lượt, khách nội địa khoảng 35 triệu lượt và tổng thu du lịch ước đạt khoảng 160.000 tỉ đồng”[10].

Hiện nay, ngành du lịch thành phố tập trung triển khai chiến lược phát triển du lịch TP.HCM đến năm 2030, với mục tiêu chính là tiếp tục nâng chất và đa dạng hóa sản phẩm du lịch; chú trọng sản phẩm du lịch đặc trưng.

Văn hóa phi vật thể, trong đó có lễ hội luôn là linh hồn của các di sản văn hóa vật thể. Sự sống động của mỗi di tích chỉ có thể được tạo nên bằng các hình thức sinh hoạt văn hóa cổ truyền gắn liền với nó, đây là điều mà các du khách mong muốn được tìm hiểu khi đến với TP.HCM.

Một số đề xuất

Du lịch lễ hội có thể đem lại những lợi ích lớn cho sự phát triển kinh tế xã hội và văn hóa nếu một quốc gia có tầm nhìn và chính sách tốt. Chính thế rất cần giải pháp hướng tới sự phát triển toàn diện và hiệu quả của du lịch TP.HCM trong việc khai thác từ lễ hội truyền thống vùng miền. Bài viết khái quát một số đề xuất nhỏ nhằm tăng cường việc phát triển du lịch thông qua lễ hội tại địa phương này.

Thứ nhất, các sự kiện lễ hội phần nào được coi là đòn bẩy phát triển kinh tế và tạo công ăn việc làm (mang tính thời vụ). Do vậy, các lễ hội cần phải chú trọng tới việc lập kế hoạch, tiếp thị để đảm bảo cho sự kiện thành công. Để lập được kế hoạch một cách hiệu quả, cần phải dựa vào những mục tiêu có tính khả thi. Nếu không đánh giá được kết quả lễ hội thì khó có thể đánh giá được thành công quản lý đạt được tới đâu. Lễ hội ở bất kể quốc gia nào cũng mang giá trị di sản văn hóa riêng của quốc gia đó. Mỗi quốc gia đều có những biện pháp quản lý nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của lễ hội. Hầu hết những thành công của các lễ hội nổi tiếng thế giới đã và đang thu hút mạnh mẽ khách du lịch đều có chính sách quản lý riêng biệt. Chúng ta sẽ phải đúc kết kinh nghiệm ra sao trước bao lễ hội trên thế giới đã được tổ chức thành công rực rỡ về quảng bá văn hóa đồng thời có doanh thu hàng tỷ USD từ nguồn du lịch lễ hội hàng năm?

Thứ hai, du lịch cũng có những tác động tiêu cực đến các thành tố môi trường văn hoá lễ hội với các hoạt động, các biểu hiện lệch chuẩn, biến tướng gây phản cảm đối với những người dự hội, thậm chí làm ô nhiễm môi trường sinh hoạt văn hoá cộng đồng độc đáo này. Với mục đích thu hút du khách, một số lễ hội tổ chức trên sân khấu, nghệ nhân trở thành diễn viên, làm cho không gian văn hoá lễ hội mất đi tính thiêng. Vì vậy, cần nhìn nhận mối quan hệ giữa lễ hội và du lịch cần khách quan, đúng mức, từ đó giữ gìn, phát huy các giá trị văn hoá lễ hội truyền thống, xây dựng lối sống con người Việt Nam theo chiều hướng tốt đẹp, góp phần thực hiện chiến lược phát triển bền vững đất nước.

Thứ ba, thực tiễn phát triển ngành du lịch trên thế giới và ở Việt Nam cho thấy, du lịch Việt Nam muốn phát triển tất yếu phải khai thác sử dụng giá trị văn hoá truyền thống, cách tân và hiện đại hoá sao cho phù hợp hiệu quả, trong đó có kho tàng âm nhạc dân gian, lễ hội dân gian truyền thống. Đây là một thành tố đặc sắc văn hoá Việt Nam nói riêng và TP.HCM nói riêng cho nên phát triển du lịch lễ hội chính là lễ hội sử dụng ưu thế của du lịch Việt Nam trong việc thu hút và phục vụ  khách du lịch. Mùa lễ hội cũng là mùa du lịch tạo nên hình thức du lịch lễ hội mang bản sắc văn hóa dân tộc được thể hiện qua các sắc thái văn hoá các địa phương, vùng miền phong phú đặc sắc.

tong-hop-cac-le-hoi-o-thanh-pho-ho-chi-minh-noi-tieng-nhat-604575503cb79-1686656235.jpeg
Lễ giỗ tổ nghề kim hoàn. Ảnh minh hoạ.

Thứ tư, trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm về cách thức tổ chức lễ hội của các thành phố lâu đời trên thế giới, cụ thể là Bangkok (Thái Lan), ngoài việc bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống, để thu hút du khách trong và ngoài nước, thiết nghĩ TP.HCM cần phải chấn chỉnh lại công tác tổ chức mang tính chuyên nghiệp hơn. Hiện nay, việc khai thác các lễ hội để phát triển du lịch còn hạn chế do công tác quản lý, tổ chức các lễ hội còn bất cập. Một số lễ hội ngày càng bị mất đi giá trị nguyên gốc, bị sân khấu hóa, bổ sung, xen kẽ những yếu tố hiện đại, lai căng không phù hợp gây phản cảm cho khách du lịch. Nhiều lễ hội được tổ chức tràn lan, bị thương mại hóa; thậm chí bị lợi dụng cho mục đích mê tín dị đoan đã gây bức xúc trong dư luận. Vì thế, để tổ chức lễ hội vừa giữ được bản sắc văn hóa dân tộc vừa phục vụ phát triển du lịch, ngành văn hóa cần kết hợp với ngành du lịch, chính quyền địa phương rà soát lại tất cả lễ hội; có công trình nghiên cứu khoa học mang tính tổng thể về lễ hội truyền thống, phải chỉ ra được những giá trị tích cực của lễ hội, phải rạch ròi đâu là tín ngưỡng văn hóa dân gian, đâu là mê tín dị đoan, đâu là giá trị vốn có, đâu là những yếu tố lai tạp, vay mượn… Từ đó, chúng ta mới có thể lựa chọn và khai thác giá trị của lễ hội, cái nào có thể biến thành sản phẩm phục vụ đối tượng khách nào, vào thời điểm nào, ở đâu và như thế nào. Đồng thời, phải uốn nắn ngay công tác quản lý tổ chức lễ hội, tập trung vào yêu cầu chống xu hướng thương mại hóa, từ nội dung cho đến hình thức tổ chức lễ hội, cùng với việc tổ chức các dịch vụ ăn theo. Hạn chế tối đa các biểu hiện hình thức, phô trương. Phải cân nhắc thận trọng đối với những dự kiến cải tiến nội dung và hình thức tổ chức lễ hội (sân khấu hóa, học theo nước ngoài,...).

Cuối cùng, bên cạnh việc hạn chế tiêu cực và các tệ nạn xã hội trong các lễ hội. Hiện nay nhu cầu của con người càng cao nên việc họ muốn an toàn và thoải mái trong dịp lễ hội là điều tất yếu. Vì vậy, cách phục vụ khách du lịch cũng là một việc quan trọng để khai thác giá trị của lễ hội. Những tệ nạn xã hội như cờ bạc, móc túi, lừa đảo… phải được kiểm soát chặt chẽ. Những địa điểm quanh khu vực lễ hội cần có thêm một số dịch vụ giải trí lành mạnh cho khách tham quan. Cơ sở hạ tầng, đường sá phải được nâng cấp để phục vụ khách một cách thuận lợi nhất. Chúng ta cần chú trọng công tác xúc tiến, quảng bá về lễ hội với mọi đối tượng. Mục đích tôn vinh và phát huy các giá trị văn hóa của lễ hội, cũng như tác dụng giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ  Các doanh nghiệp kinh doanh du lịch cũng cần nắm được các thông tin cần thiết về lễ hội tại các địa phương để xây dựng chương trình du lịch, lên kế hoạch tổ chức và quảng bá phù hợp nhằm hấp dẫn và thu hút du khách trong và ngoài nước. Từ đó làm cho các hoạt động lễ hội có sức hấp dẫn hơn.

Những đề xuất trên chỉ mang tính tương đối. Tuy nhiên, đó là một số đề xuất gắn liền với nhu cầu thực tế và điều kiện về lễ hội - du lịch tại TP.HCM. Chúng ta không nên xử lý rập khuôn theo sách vở mà cần thực hiện những hoạt động cụ thể phù hợp. Một chính sách tốt được áp dụng kịp thời sẽ đem lại những giá trị và ý nghĩa vô cùng to lớn cho nền kinh tế nói chung và cho sự phát triển kinh tế du lịch nói riêng.

Kết Luận

Du lịch là một ngành công nghiệp không khói. Lễ hội được các nước trên thế giới coi như là một mặt hàng của ngành công nghiệp đó. Một mặt hàng chất lượng phải có thương hiệu. Thương hiệu đó thể hiện bằng: “việc xác định ý nghĩa biểu tượng riêng để xây dựng thương hiệu. Quá trình xây dựng thương hiệu này là do cách chúng ta giới thuyết về di sản và cách thức chúng ta quản lý nó… Để tạo ra một thương hiệu cho một di sản văn hoá trước hết phải có sự đúc kết về mọi giá trị liên quan tới di sản đó. Chính vì vậy, thương hiệu được hiểu như là một đặc trưng của di sản”. Tóm lại, phát triển du lịch văn hóa là xu hướng phát triển tất yếu và mang tính bền vững trong chiến lược phát triển du lịch của mỗi quốc gia. Phát triển du lịch văn hóa sẽ tạo nên điều kiện sinh kế thuận lợi cho người dân địa phương. Việt Nam có 54 dân tộc cùng sinh sống qua hàng nghìn năm lịch sử với những giá trị, bản sắc văn hóa riêng. Đó chính là tài sản quan trọng và rất tiềm năng để Việt Nam có thể thúc đẩy phát triển loại hình du lịch văn hóa. Tuy nhiên, để phát triển du lịch văn hóa thành công, ít để lại những hệ lụy mà do tác động tiêu cực từ hoạt động du lịch của du khách để lại, Nhà nước Việt Nam cần xây dựng hoàn chỉnh những thể chế chính sách phù hợp. Trong đó, đặc biệt lưu tâm là hệ thống pháp luật và hành lang pháp lý khác.

Lễ hội ở TP.HCM đang từng bước tạo điểm nhấn thu hút du khách. Lễ hội là một dạng của văn hóa đặc thù, với những giá trị của nó, tự thân đã có sức thu hút du khách rất lớn. Bởi đó là môi trường góp phần tạo nên niềm cộng cảm, tạo nên bản sắc văn hóa không thể lẫn lộn và là tiềm năng du lịch văn hóa. Khách du lịch muốn trải nghiệm lễ hội để tìm hiểu và khám phá bản sắc đó. Thực tế là trong những năm gần đây, các lễ hội ở TP.HCM, nhất là Lễ hội Đường hoa, Đường sách, Nghinh Ông, …đã và đang có sức thu hút ngày càng đông đảo du khách gần xa, kích thích ngành du lịch TP.HCM phát triển. Điều này được minh chứng qua số liệu khách du lịch ngày càng tăng, thời gian lưu trú của du khách ngày càng dài như đã minh chứng qua số liệu ở trên.

Có thể khẳng định rằng, tầm ảnh hưởng của các lễ hội đã đem lại những lợi ích lớn về kinh tế và việc quảng bá điểm đến du lịch cho TP.HCM. Vai trò của lễ hội bằng chính sự đa dạng, phong phú và đặc sắc của nó đã là một nguồn lực quan trọng cho phát triển du lịch. Song khi mối quan hệ giữa lễ hội và du lịch được nhìn nhận đúng mức hơn và có sự gắn kết chặt chẽ với nhau hơn thì nguồn lực đó sẽ được vận hành tốt hơn và tạo ra hiệu quả thực sự. Lễ hội trở nên sôi động hơn và có thể phát triển, mở rộng được, có được nhiều hơn nguồn lợi vật chất khi có du lịch, du lịch cũng trở nên nhộn nhịp hơn, có chiều sâu hơn và hấp dẫn hơn khi dựa trên các giá trị văn hóa đặc sắc như lễ hội, đặt biệt là lễ hội dân gian. Tuy nhiên, tự bản thân lễ hội khó có thể trở thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn nếu không có bàn tay của những người làm du lịch và du lịch cũng khó có thể phát triển được nếu thiếu điểm tựa là các giá trị văn hóa, trong đó có lễ hội. Điều này có nghĩa là cần phải có một sự kết hợp nhịp nhàng giữa những chủ nhân của lễ hội và những người làm du lịch vì mục đích lâu dài cả về tính nhân văn và kinh tế, có như vậy thì vai trò lễ hội mới được vận hành tốt trong phát triển du lịch.

TS. Hà Thị Kim Phượng - Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM
Bạn đang đọc bài viết "Giải pháp nào cho du lịch lễ hội ở TP.HCM?" tại chuyên mục Khoa học quản lý.