Khi lãnh đạo doanh nghiệp “phớt lờ” văn hóa đọc

Ths. Nguyễn Phạm Hữu Hậu - Phó chủ tịch Hanita Master, Chuyên gia tái cấu trúc Doanh nghiệp

08/11/2023 10:39

Chủ đề về “Văn hóa đọc” của doanh nhân rất hiếm khi được đưa ra bàn luận trong các phiên hội thảo, hội nghị dành cho giới doanh chủ vì rất có thể đây là hoạt động không quá quan trọng đối với họ. Trên thực tế,“văn hóa đọc” là nét văn hóa rất riêng dành cho giới doanh nhân đích thực. Một lãnh đạo giỏi không chỉ biết “dùng người” mà còn phải “tuyển đúng người” và sắp xếp họ đúng vị trí. Để làm công tác tuyển đúng người tuyệt đối không thể bỏ qua hoạt động “đọc” hồ sơ ứng tuyển của ứng viên…

“Tôi rất bận…” – Lời “ngụy biện” thiếu trách nhiệm

Tỷ phú hàng đầu thế giới Bill Gates từng phát biểu: “Đọc là kỹ năng quan trọng”. Thật vậy, đọc để biết, để hiểu, để ngẫm và để đưa ra quyết định đúng đắn. Một trong những “quyết định đúng đắn” là tuyển dụng đúng người và bố trí họ đúng vị trí công việc, thông qua hồ sơ ứng tuyển của ứng viên. Hoạt đông tuyển dụng tại doanh nghiệp hầu như không được chủ doanh nghiệp chú trọng, đề cao. Họ cho rằng, đó là việc làm và trách nhiệm của bộ phận tuyển dụng (!?)

Ngày nay, mặc dầu đã có rất nhiều sự đổi thay trong chiến lược, chính sách, công nghệ cũng như sự chuyển dịch khôn lường của nền kinh tế thị trường, nhưng hầu như không thể thay đổi được tư duy quản trị của các chủ doanh nghiệp. Sự quan liêu và “phớt lờ” văn hóa đọc trong hoạt động tuyển dụng của chủ doanh nghiệp tại các doanh nghiệp/tập đoàn trên thị trường đã gây ảnh hưởng tiêu cực khiến cho nhân sự-nhân tài “cách xa dần” đối với thương hiệu tuyển dụng của doanh nghiệp.

Một “biện minh” rất “ngô nghê” rằng: “Tôi rất bận, nên không có thời gian đọc…” có lẻ, đối với họ đọc hồ sơ ứng tuyển của ứng viên đã không còn quan trọng.Vì nếu, quan trọng tất yếu chúng ta sẽ có đủ thời gian dành cho nó. Lưu ý rằng, người lãnh đạo giỏi tại doanh nghiệp sẽ chỉ làm tốt hai nhiệm vụ cốt lõi, một là: Nhận định thị trường, định hướng chiến lược và truyền đạt tư tưởng tích cực đến đội ngũ bên dưới. Hai là, tuyển dụng đúng người để thực thi tốt tư tưởng của lãnh đạo nhằm đưa DN phát triển bền vững, thịnh vượng…

384547040-331868889539917-6145930622941342879-n-1699414665.jpeg
Ảnh minh hoạ. Ảnh: NQL

Một số ý kiến của chủ doanh nghiệp cho rằng: “Tôi không quan tâm hồ sơ ứng tuyển của ứng viên cho lắm, vì họ (ứng viên tuyển dụng) trình bày hồ sơ đẹp mắt, rõ ràng và chi tiết. Thế nhưng, họ không làm được việc…” Nếu dành một giây để ngẫm câu nói ấy, nó hoàn toàn không đúng với tư duy quản trị của một doanh nhân chân chính. Ứng viên tuyển dụng trình bày hồ sơ đẹp mắt, chỉn chu và chi tiết điều đó thể hiện sự “tôn trọng” nhất định đối với doanh nghiệp. Họ (người lao động) đã tôn trọng mình (người sử dụng lao động) thì tại sao mình không tôn trọng họ bằng cách đọc hết những dòng “tâm tư”, “hoài bão” của họ?

Riêng về việc, họ làm được việc hay không thì có rất nhiều nguyên nhân. Tựu trung, khi lãnh đạo tuyển dụng sai người thì khó mà trách cứ người lao động được vì ngay từ đầu, anh đã sai…

Cần sớm loại bỏ "sự quan liêu” trong hoạt động tuyển dụng

Nếu như, lãnh đạo doanh nghiệp không “quan liêu” và phó thác hoàn toàn hoạt động tuyển dụng cho bộ phận tuyển dụng nhân sự, thì đâu phải ca thán rằng “tuyển dụng mãi mà không được người phù hợp” để rồi nhân sự “ra-vào” doanh nghiệp như chợ trời trong các phiên chợ Tết. Văn hóa doanh nghiệp phần nào bị “méo mó”, thương hiệu tuyển dụng của doanh nghiệp cũng bị tổn hại nghiêm trọng vì tư duy quản trị quan liêu của chủ doanh nghiệp…

Từ những năm đầu thế kỷ 21, lãnh đạo bộ phận tuyển dụng đã “sáng tác” ra “Phiếu thông tin ứng viên” mục đích dùng để thống nhất quy chuẩn văn bản “mẫu đơn xin việc”, vì thời điểm đó “Đơn xin việc” chưa được phổ biến rộng rãi, mỗi cá nhân thiết kế theo những “Form” (quy cách) riêng đôi khi “rời rạc”, “lượm thượm” và không bắt mắt. Ngày nay, mặc dầu đã có đổi thay về công nghệ, quy chuẩn mẫu đơn nhưng “sự rập khuôn” của Bộ phận tuyển dụng vẫn còn hiện diện ở nhiều doanh nghiệp/tập đoàn…

Sự rập khuôn và thiếu tư duy sáng tạo của Bộ phận tuyển dụng đã “ngán chân” rất nhiều nhân sự-nhân tài ứng tuyển ở vị trí quản lý cấp cao. Mẫu đơn ứng tuyển thể hiện sự sáng tạo của ứng viên, lẻ nào chúng ta không tôn trọng sự sáng tạo của họ? Suy cho cùng, hầu hết mẫu đơn ứng tuyển của ứng viên đều đã đầy đủ những thông tin cần thiết của nhà tuyển dụng. Nếu thiếu, hãy yêu cầu họ bổ sung… vì “phiếu thông tin ứng viên” là văn bản thứ yếu, không mang giá trị pháp lý.

368237401-1187178572214362-1873709742669698311-n-1695785223-1699414737.jpeg
Ths. Nguyễn Phạm Hữu Hậu.

Bắt buộc ứng viên tuyển dụng phải điền vào “phiếu thông tin ứng viên” vì đây là quy định của doanh nghiệp. Đó là tư duy quan liêu, hách dịch của phần lớn lãnh đạo bộ phận nhân sự. Họ đã lãng phí chi phí văn phòng phẩm khi cho in ra những tờ “phiếu thông tin ứng viên” vô hồn, không giá trị pháp lý kia. Lưu trữ “phiếu thông tin ứng viên” như thế nào đối với những ứng viên không trúng tuyển? liệu sẽ mất thêm diện tích văn phòng dành cho lưu trữ dữ liệu? Thời đại công nghệ phát triển mạnh mẽ, sao không loại bỏ “phiếu thông tin ứng viên” để tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí. Thay vào đó là những công cụ lưu trữ CRM, ERP, SAP…

Câu chuyện “Phiếu thông tin ứng viên” là câu chuyện rất nhỏ trong hoạt động quản trị doanh nghiệp nói chung và hoạt động tuyển dụng nhân sự nói riêng. Nhưng, đó là “hồi chuông lớn” nhằm thức tỉnh sự quan liêu, hời hợt của chủ doanh nghiệp. Bởi “tiên trách kỹ, hậu trách nhân” nên không thể hoàn toàn chê trách Bộ phận tuyển dụng của doanh nghiệp. Lưu ý rằng, văn hóa tuyển dụng là một trong bốn “trụ cột” quan trọng trong hoạt động xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp nhằm thu hút và giữ chân người lao động cống hiến lâu dài…

Ths. Nguyễn Phạm Hữu Hậu - Phó chủ tịch Hanita Master, Chuyên gia tái cấu trúc Doanh nghiệp