Liên kết vùng trong phát triển kinh tế để phát huy thế mạnh của địa phương

Mai Phương

03/08/2023 16:50

Thời gian qua, việc phát triển mô hình liên kết vùng từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm ở các địa phương đang ngày một phát triển, góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế, tạo ra diện mạo mới cho sản phẩm của các địa phương, tạo bước chuyển biến tích cực cho phát triển kinh tế theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển kinh tế bền vững và bắt kịp xu thế hội nhập kinh tế, quốc tế.

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các hoạt động liên kết vùng trong thời gian qua đã có những tác động tốt trên một số khía cạnh như: khắc phục một phần tình trạng biệt lập trong hoạch định và thực thi chính sách của các địa phương; góp phần kết nối đồng bộ cơ sở hạ tầng vùng và liên vùng; tạo sự chia sẻ, lan tỏa kinh nghiệm tốt trong quản lý nhà nước; giải quyết hài hòa hơn các mâu thuẫn giữa các địa phương trong vùng về thu hút đầu tư, xử lý tài nguyên môi trường, các vấn đề xã hội…

dien-dan-pld-1691051787.jpg

Tình hình liên kết vùng trong phát triển kinh tế được phản ánh rõ nét trong “Diễn đàn Liên kết vùng trong phát triển kinh tế để phát huy thế mạnh địa phương”

Tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động liên kết vùng vẫn còn tồn tại những hạn chế khiến cho việc triển khai gặp nhiều khó khăn và thách thức. Phát biểu tại “Diễn đàn Liên kết vùng trong phát triển kinh tế để phát huy thế mạnh địa phương” do Tạp chí Kinh doanh - Liên minh hợp tác xã tổ chức vào ngày 03/8, ông Nguyễn Văn Thịnh – Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho rằng: “Các vùng trên cả nước nói chung đều thiếu các cơ chế, chính sách phát triển liên kết vùng, nhất là trong hợp tác phát triển kinh tế và giải quyết những vấn đề mang tính liên tỉnh, liên vùng. Sự hợp tác, liên kết giữa các địa phương trong vùng mới mang tính đơn lẻ, chưa khai thác, phát huy được hết tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương. Chưa kể, khi nói đến liên kết, lại đề cập quá nhiều nội dung, trong khi nguồn lực còn hạn chế. Chủ thể liên kết quan trọng là doanh nghiệp, là hợp tác xã và các tổ chức về kinh tế lại chưa phát huy được vai trò của mình.” 

ong-nguyen-van-thinh-pho-chu-tich-lien-minh-htx-viet-nam-pld-1691051787.jpg

Ông Nguyễn Văn Thịnh – Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam chia sẻ tại sự kiện

Có thể thấy quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng và quy hoạch ngành theo vùng hiện nay của nước ta chưa thực sự đạt được những kết quả cao trong trong định hướng, điều phối, phân bổ ngân sách, thu hút nguồn lực, đầu tư, quản trị không gian kinh tế - xã hội, đặc biệt là thực hiện vai trò liên kết nội vùng. Các vùng kinh tế trọng điểm chưa thực sự phát huy vai trò đầu tàu, tính lan tỏa, hiệu quả đầu tư chưa vượt trội; các vùng khó khăn phát triển thiếu bền vững, khoảng cách giữa các vùng chưa được thu hẹp; liên kết vùng còn yếu, nhất là giữa các tỉnh và thành phố.

toan-canh-dien-dan-pld-1691051787.jpg

Toàn cảnh diễn đàn

Đứng trước thực tại này, điều chúng ta cần làm trong thời gian tới là phải bứt phá khỏi cách làm cũ, phải có sự kết nối hợp lý, phân bổ, thực hiện đồng bộ, phối hợp, bổ trợ, bổ sung cho nhau. Liên kết vùng cần phát triển theo hướng kinh tế tri thức, kinh tế xanh, bảo vệ môi trường và tiếp cận với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, phát triển các ngành hàng có hàm lượng công nghệ cao, tạo giá trị gia tăng lớn, thúc đẩy sự năng động của các khu công nghiệp theo chiến lược tăng trưởng mới.

Tại Diễn đàn, TS. Trần Thị Hồng Minh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định: “Dưới tác động tiêu cực của hội nhập, cùng với đặc điểm nền kinh tế còn phát triển manh mún, sản xuất nhỏ lẻ, thiếu liên kết,... đòi hỏi các vùng ở Việt Nam phải có những điều chỉnh thích ứng, đặc biệt là thay đổi về phương thức sản xuất kinh doanh cũ, sản xuất khép kín sang phương thức sản xuất chuỗi liên kết, tận dụng lợi thế nhờ quy mô kinh tế. Bản thân các doanh nghiệp cũng phải tư duy và chuyển đổi mạnh mẽ hơn, theo hướng tăng cường hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp ở các địa phương khác trong vùng.”

ts-tran-thi-hong-minh-pld-1691051787.jpg

TS. Trần Thị Hồng Minh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Không thể phủ nhận, hoạt động liên kết vùng có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển thị trường trong nước, đặc biệt trong việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa cho các địa phương. Do vậy, các địa phương cần nhận thức liên kết vùng tạo ra nhiều lợi ích cho chính địa phương của mình và cho tăng trưởng chung của nền kinh tế quốc gia. Đặc biệt là với hoạt động kinh tế, cần không gian lớn hơn để hoạt động đầu tư nên khi liên kết lại sẽ tạo ra năng lực cạnh tranh của vùng.

Nếu giữa các địa phương liên kết lại, sẽ dần dần hình thành được các cụm ngành – vốn là xu hướng sản xuất, đầu tư hay hiện nay, chứ không phải là một nhà máy, doanh nghiệp hay hợp tác xã đơn lẻ. Tính đến hết tháng 6/2023, cả nước có 30.425 hợp tác xã (riêng 6 tháng đầu năm thành lập mới 1.032 hợp tác xã, 133 Liên hiệp hợp tác xã và 120.983 tổ hợp tác trong đó có 76.456 tổ hợp tác nông nghiệp). Chính vì thế, việc liên kết vùng mở rộng ra không gian hoạt động chắc chắn sẽ góp phần giúp cho kinh tế các địa phương được củng cố, doanh nghiệp và hợp tác xã có cơ hội phát triển và thúc đẩy tiềm năng, cùng đưa sức tăng trưởng kinh tế đất nước phục hồi tốt hơn và vươn lên tầm cao mới.

Mai Phương