Lượng khách du lịch đến Quảng Trị ước tính ước đạt hơn 155.000 lượt, tăng hơn 24%

Thanh Loan

04/03/2024 10:09

Cụ thể, hơn 268.000 lượt khách du lịch đến tỉnh Quảng Trị trong tháng 2/2024. Trong đó khách quốc tế đạt 15.500 lượt và khách nội địa ước đạt 252.500 lượt. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 185 tỷ đồng. Riêng dịp Tết Nguyên Đán vừa qua, lượng khách du lịch đến Quảng Trị ước tính đạt hơn 155.000 lượt, tăng hơn 24% so với tết Quý Mão 2023. Trong đó, có hơn 7.300 lượt khách quốc tế, phần lớn nhập cảnh qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và Cửa khẩu quốc tế La Lay.

Trong năm 2024, du lịch Quảng Trị tiếp tục phát huy khai thác tiềm năng, thế mạnh của các sản phẩm du lịch đặc thù, khác biệt của địa phương trên cơ sở tôn trọng yếu tố tự nhiên, cảnh quan thiên nhiên gắn với khai thác chiều sâu giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của quê hương.

Tỉnh Quảng Trị cũng đã đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm nhằm phát triển du lịch hiệu quả, bền vững, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương như: Tập trung quảng bá, xúc tiến kêu gọi đầu tư vào các khu du lịch trọng điểm, từng bước hình thành Khu du lịch quốc gia Cửa Việt - Cửa Tùng - Địa đạo Vịnh Mốc - Đôi bờ Hiền Lương - đảo Cồn Cỏ.

z5214326313037-746809311ca13acdb0683a3d5eda72f3-1709519808.jpg
Các địa điểm du lịch lịch sử ở Quảng Trị nhận được nhiều sự quan của du khách.

Xây dựng và phát triển thương hiệu điểm đến của du lịch Quảng Trị là: “Ký ức chiến tranh - Khát vọng hòa bình”; “Cửa ngõ Hành lang kinh tế Đông - Tây” kết nối, liên kết du lịch “Con đường Di sản miền Trung”, “Đường Hồ Chí Minh huyền thoại”. Xây dựng các sản phẩm du lịch chủ lực như: Du lịch lịch sử - chiến tranh cách mạng; du lịch biển, đảo; du lịch văn hoá - tâm linh; du lịch biên mậu, thương mại và công vụ; du lịch sinh thái.

Dịp Tết Nguyên Đán Giáp Thìn 2024 diễn ra trong điều kiện thời tiết thuận lợi, hầu hết các điểm tham quan du lịch, di tích văn hóa, lịch sử trên địa bàn Quảng Trị mở cửa đón khách du lịch. Bên cạnh đó, các địa phương trong tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, vui chơi giải trí thu hút đông đảo người dân tham gia, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong dịp Tết.

Đặc biệt, nhiều địa điểm thu hút khách đến tham quan, check in khám phá như: Linh vật Rồng tại thị trấn Lao Bảo và chùa Vân An – Đông Hà, một số vườn hoa check in tại Công viên Lê Duẩn, Công viên Fidel, quảng trường Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh; đặc biệt là các điểm du lịch trên địa bàn huyện Hướng Hóa, Chùa Cam Lộ, Tổ đình Sắc tứ Tịnh Quang, và các điểm di tích lịch sử trên địa bàn như: Địa đạo Vịnh Mốc, đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải, Thành cổ Quảng Trị thu hút nhiều khách du lịch nội địa và quốc tế tham quan.

Bên cạnh đó, Quảng Trị sẽ mở rộng phát triển các sản phẩm du lịch khác có lợi thế cạnh tranh như: Du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với tiêu thụ sản phẩm OCOP, du lịch mạo hiểm, du lịch cộng đồng, tổ chức Lễ hội Văn hóa - Ẩm thực Quảng Trị năm 2024...

z5213471867413-c4363edbdd17dc751f80e6a9696147ea-1709521448.jpg
Các hoạt động du lịch tâm linh ở Quảng Trị thu hút được nhiều khách du lịch quan tâm.

Ngoài ra, tỉnh Quảng Trị còn triển khai chương trình du lịch xanh, bảo vệ môi trường tự nhiên và xã hội tại các điểm đến du lịch trọng điểm theo định hướng “Điểm du lịch xanh, sạch, đẹp, văn minh, thân thiện”. Đồng thời tổ chức các sự kiện kỷ niệm gắn với các ngày lễ lớn của quê hương, đất nước nhằm thu hút du khách về với Quảng Trị. Trong đó điểm nhấn là khai mạc Lễ hội “Vì Hòa Bình”; Tổ chức các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch trong và ngoài nước, nhất là các thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam; Tổ chức hội nghị, hội thảo, diễn đàn về xúc tiến đầu tư du lịch; Mở rộng liên kết với các tỉnh, thành phố nhằm thu hút đầu tư và xây dựng sản phẩm du lịch; Hoàn thiện bộ nhận diện du lịch tỉnh Quảng Trị; Xây dựng Kế hoạch tuyên truyền, quảng bá du lịch tỉnh Quảng Trị trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Thanh Loan