Nghiên cứu ứng dụng công nghệ nhằm đảm bảo vững chắc an ninh năng lượng trong thời đại mới

Mai Phương

14/12/2023 21:40

Chiều 14/12 tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Kinh tế và Bảo vệ khí hậu CHLB Đức tổ chức “Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2023 – lần thứ 6” với chủ đề: Chính sách, giải pháp công nghệ phục vụ phát triển bền vững điện mặt trời và điện gió tại Việt Nam.

Chương trình nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành năng lượng với mục tiêu đảm bảo vững chắc an ninh năng lượng trong bối cảnh mới, đồng thời trao đổi về thách thức, giải pháp định hướng nghiên cứu ứng dụng công nghệ năng lượng.

dien-dan-cong-nghe-va-nang-luong-pld-1702564785.jpg
Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2023 – lần thứ 6.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, bà Trần Thị Hồng Lan – Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, sau khi Việt Nam cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” năm 2050 tại COP26, Đảng và Nhà nước đã có nhiều hành động cụ thể và triển khai quyết liệt có hiệu quả nhằm đạt mục tiêu này.

Trong đó, Chính phủ đã tập trung xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện Chiến lược biến đổi khí hậu; Chiến lược tăng trưởng xanh; Quy hoạch điện VIII tiến đến năng lượng tái tạo là chủ đạo; Phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo và xây dựng hệ sinh thái năng lượng tái tạo (như nhân lực, nguồn lực, quy hoạch, cơ sở, vật chất…).

Việt Nam trở thành thị trường sôi động bậc nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương và dẫn đầu Đông Nam Á trong lĩnh vực phát triển điện gió và điện mặt trời. Tính đến cuối năm 2022, tổng công suất nguồn điện toàn hệ thống đạt 79.250MW, trong đó tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) đạt khoảng 20.165MW, chiếm tỷ trọng 25,4%. Trong Quy hoạch điện VIII, Chính phủ ưu tiên phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện, nguồn điện này sẽ chiếm tỉ lệ khoảng 30,9 - 39,2% vào năm 2030.

Theo bà Trần Thị Hồng Lan, tỷ lệ nội địa hóa chuỗi cung ứng cũng như sự tham gia sâu của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc cung cấp các dịch vụ cho lĩnh vực năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) còn thấp. Dữ liệu thống kê, các dự án năng lượng tái tạo ở Việt Nam vẫn nhập khẩu gần như 90% thiết bị từ Trung Quốc, Đức, Ấn Độ và Hoa Kỳ. 

“Việc chậm nội địa hóa sản xuất thiết bị và dịch vụ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam một phần do còn thiếu năng lực đánh giá, phát triển dự án, cơ sở hạ tầng kém và phụ thuộc vào nước ngoài. Bên cạnh đó, năng lực công nghệ, trình độ sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu. Ngoài ra, chính sách và cơ chế hỗ trợ công nghiệp hỗ trợ cho điện tái tạo còn thiếu hoặc chưa đủ mạnh.” – bà Lan cho hay.

ba-tran-thi-hong-lan-pld-1702564785.jpg
Bà Trần Thị Hồng Lan – Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ.

Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Nguyễn Ngọc Hưng - Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) nhận định, Việt Nam có cơ hội lớn để thúc đẩy nội địa hóa năng lượng tái tạo bằng việc tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất thiết bị năng lượng tái tạo. Có cơ hội tham gia vào đầu tư, vận hành, bảo dưỡng dự án điện năng lượng tái tạo và thúc đẩy chuyển đổi việc làm xanh năng lượng tái tạo.

Để đẩy nhanh phát triển nguồn điện từ năng lượng tái tạo, gia tăng tỷ trọng của năng lượng tái tạo vào nguồn năng lượng quốc gia, ông Hưng khuyến nghị cần đẩy mạnh phát triển điện gió trên bờ và ngoài khơi, điện mặt trời. Ưu tiên, khuyến khích phát triển điện gió, điện mặt trời tự sản tự tiêu. Định hướng phát triển điện mặt trời phải kết hợp với pin lưu trữ khi giá thành phù hợp. Thúc đẩy nội địa hóa năng lượng tái tạo thông qua việc tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất thiết bị năng lượng tái tạo. Tham gia vào đầu tư, vận hành, bảo dưỡng dự án điện năng lượng tái tạo, thúc đẩy chuyển đổi việc làm xanh năng lượng tái tạo.

“Cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo ra việc làm xanh thông qua các chương trình hỗ trợ tài chính, nâng cao năng lực và chính sách mua sắm. Đồng thời, có quy hoạch/chiến lược rõ ràng, hoàn thiện, minh bạch thủ tục, giá bán điện hấp dẫn để giảm rủi ro và tạo ra một môi trường đầu tư hấp dẫn hơn cho điện năng lượng tái tạo.” – ông Hưng đề xuất.

Mai Phương