Những gì sẽ được thảo luận trên bàn đàm phán Mỹ - Triều?

tamvu

25/02/2019 13:39

Phi hạt nhân hoá và chấm dứt các lệnh trừng phạt Triều Tiên là những chủ đề chính dự kiến sẽ được hai bên mang ra thảo luận trong hai ngày 27 và 28.2 tới tại Hà Nội.

Phi hạt nhân hóa Triều Tiên là mục tiêu quan trọng nhất mà Washington đang tìm cách đạt được, theo hãng tin Reuters. Điều đó có nghĩa là loại bỏ tất cả các vũ khí trong các chương trình hủy diệt hàng loạt ở Triều Tiên, việc sản xuất những vũ khí đó, cũng như các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có thể mang chứa những vũ khí này.

Mỹ sẽ tìm cách hình thành sự hiểu biết chung với Triều Tiên về ý nghĩa của việc phi hạt nhân hóa tại Hội nghị Thượng đỉnh lần này, các quan chức Mỹ cho biết hôm thứ 5 tuần trước. Vượt lên phạm vi của hội nghị lần này, Washington dự kiến sẽ tìm cách thiết lập một lộ trình đặt ra kỳ vọng và quá trình đàm phán phi hạt nhân hóa. Việc đóng băng các vũ khí hủy diệt hàng loạt và các chương trình tên lửa của Triều Tiên cũng có khả năng nằm trong chương trình nghị sự.

Tuy nhiên, tổng thống Mỹ, Donald Trump không vội vã thúc ép Triều Tiên phi hạt nhân hoá.

“Tôi không vội vàng, tôi không muốn thúc ép bất kỳ ai”, Financial Times dẫn lời phát biểu của ông Trump tại Nhà Trắng hôm chủ nhật, vài ngày trước khi tổng thống Mỹ bay tới Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai, diễn ra tại Hà Nội. “Chúng ta hài lòng, chừng nào không có những vụ thử hạt nhân”, ông Trump nói thêm.

Lực lượng an ninh bên ngoài khách sạn JW Marriott, nơi được cho là điểm lưu trú của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong lần tham dự Hội nghị Thượng đỉnh lần hai với Triều Tiên tại Hà Nội (Ảnh: Trung Dung)
Lực lượng an ninh bên ngoài khách sạn JW Marriott, nơi được cho là điểm lưu trú của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong lần tham dự Hội nghị Thượng đỉnh lần hai với Triều Tiên tại Hà Nội (Ảnh: Trung Dung)

Triều Tiên đã công khai kêu gọi chấm dứt các lệnh trừng phạt kinh tế do Mỹ và Liên Hợp Quốc áp đặt đối với quốc gia này. Đây sẽ là mục tiêu chính mà Triều Tiên hướng tới trong Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ hai này với Mỹ.

Nhưng theo cách hiểu của Triều Tiên, khái niệm phi hạt nhân hóa có thể còn bao gồm việc loại bỏ chiếc ô hạt nhân của Mỹ đối với Hàn Quốc và các sức mạnh hạt nhân.

Một số quan chức ở Hàn Quốc và Quốc hội Mỹ đã bày tỏ lo ngại rằng, Triều Tiên đang kêu gọi thay đổi về việc đóng quân của quân đội Mỹ tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói vào hôm thứ 6 tuần trước rằng, việc rút quân của Mỹ ở Hàn Quốc không có trên bàn đàm phán lần này.

Từ lâu, Triều Tiên đã kêu gọi thỏa thuận hòa bình với Mỹ, bình thường hóa quan hệ và chấm dứt tình trạng đóng băng quan hệ tồn tại kể từ Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, đã kết thúc bằng hiệp định đình chiến thay vì hiệp ước hòa bình.

Washington do dự đặt bút ký một hiệp ước hòa bình toàn diện trước khi Triều Tiên phi hạt nhân hóa hoàn toàn. Các quan chức Mỹ tuyên bố có thể sẵn sàng cho một thoả thuận hạn chế nhằm giảm căng thẳng, mở văn phòng liên lạc và tiến tới bình thường hóa quan hệ.

Chủ tịch Triều Tiên, ông Kim Jong-un cho biết hồi tháng 1 rằng, quốc gia này đã sẵn sàng mở lại công viên công nghiệp Kaesong và các tour du lịch tới núi Kumgang mà không có bất kỳ điều kiện tiên quyết hay giá cả nào. Hai dự án liên Triều này đòi hỏi ít nhất một phần nới lỏng lệnh trừng phạt để tiếp tục hoạt động.

Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai diễn ra sau khi Mỹ kết thúc vòng đàm phán với Trung Quốc về căng thẳng thương mại. Hôm nay qua Twitter cá nhân, Tổng thống Donald Trump tuyên bố hoãn tăng thuế đối với hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc, do đàm phán đạt được những tiến bộ "bền vững", Financial Times đưa tin.

Theo Bloomberg, ông Kim Jong-un đã lên tàu bọc thép di chuyển từ Triều Tiên đến Việt Nam từ thứ 7 tuần trước. Hôm chủ nhật, Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) cũng xác nhận ông Kim đang trên đường tới Việt Nam.

Chủ tịch Triều Tiên, Kim Jong-un rời nhà ga Bình Nhưỡng ngày 23.2 tới Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai Ảnh: Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA)
Chủ tịch Triều Tiên, Kim Jong-un rời nhà ga Bình Nhưỡng ngày 23.2 tới Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai - (Ảnh: KCNA)

Trong Hội nghị Thượng đỉnh lần đầu tiên với Mỹ ở Singapore 8 tháng trước, ông Kim Jong-un đã lựa chọn máy bay của hãng hàng không thuộc sở hữu của nhà nước Trung Quốc, để di chuyển từ thủ đô Bình Nhưỡng tới Singapore, hai ngày trước ngày diễn ra sự kiện trên.

Đối với chuyến đi bằng tàu lần này, ông Kim Jong-un đi trên một chuyến tàu được trang bị nghiêm ngặt với các toa tàu sang trọng chạy dọc đường ray với tốc độ chậm, do trọng lượng và kết cấu của nó. Hành trình của Chủ tịch Triều Tiên có thể mất hai ngày hoặc hơn. Sau chuyến đi dài bằng tàu, dự kiến ông Kim Jong-un sẽ tiếp tục di chuyển chặng đường dài bằng ô tô từ biên giới Việt Nam - Trung Quốc đến Hà Nội.

Hiện an ninh đang được siết chặt tại khu vực ga Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) và dọc Quốc lộ 1 từ Hà Nội đến Lạng Sơn. Ngày 22.2, Văn phòng UBND tỉnh Lạng Sơn ra thông báo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, Phạm Ngọc Thưởng, yêu cầu đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên Quốc lộ 1 phục vụ nhiệm vụ chính trị từ 24.2 - 28.2.2019.

Minh Tâm

tamvu