Phân tích môi trường khách quan của doanh nghiệp

Viện VIM

25/09/2023 17:56

Theo Viện Nghiên cứu và Đào tạo về Quản lý (Viện VIM), môi trường vĩ mô của doanh nghiệp chủ yếu gồm các yếu tố xã hội, văn hoá của đất nước. Những yếu tố này có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp. Mỗi trường vĩ mô của doanh nghiệp còn bao gồm môi trường chính trị và pháp luật, kinh tế, khoa học kỹ thuật, văn hoá, xã hội của doanh nghiệp.

Phân tích môi trường chính trị và pháp luật của doanh nghiệp

Môi trường chính trị là các yếu tố chính trị và những hoàn cảnh mà sự vận hành của các yếu tố đó tạo ra, có ảnh hưởng đến kinh doanh của doanh nghiệp. Các yếu tố này bao gồm: chế độ chính trị, chế độ chính đảng, đoàn thể chính trị, phương châm chính sách của Đảng và Nhà nước, không khí chính trị của xã hội như: khuynh hướng chính trị, nhiệt tình chính trị, tư tưởng chính trị.

Môi trường pháp luật là hệ thống pháp luật có liên quan đếndoanh nghiệp, bao gồm quy phạm pháp luật của Nhà nước, ý thứcpháp luật của cơ quan tư pháp, cơ quan hành pháp và doanh nghiệp.

Ảnh hưởng của môi trường chính trị và pháp luật đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp rất sâu rộng, thậm chí có lúc mang ý nghĩa quyết định.

Nói chung, nếu một nước ổn định về chính trị, chính sách rõ ràng và nhất quán, không khí chính trị tốt, pháp luật nghiêm minh thì các doanh nghiệp có thể phát triển lành mạnh, ổn định.

20191204-fnm8qkbxksjli2iamscuc71r-1695639276.jpeg
Ảnh minh hoạ.

Phân tích môi trường kinh tế của doanh nghiệp

Môi trường kinh tế của doanh nghiệp là tình hình kinh tế xã hội và chính sách kinh tế của đất nước mà doanh nghiệp tồn tại và phát triển. Môi trường kinh tế vĩ mô bao gồm: cơ cấu kinh tế xã hội, trình độ phát triển kinh tế, chế độ kinh tế và chính sách kinh tế vĩ mô.

Phân tích cơ cấu kinh tế xã hội

Cơ cấu kinh tế xã hội còn được gọi là cơ cấu của nền kinh tế quốc dân, bao gồm cơ cấu ngành nghề, cơ cấu phân phối, cơ cấu trao đổi, cơ cấu tiêu dùng, cơ cấu kỹ thuật, cơ cấu sở hữu v.v..., trong đó, cơ cấu ngành nghề là yếu tố quan trọng nhất. Thí dụ, hiện nay, một số doanh nghiệp gặp khó khăn, hàng hoá ứ đọng, công nhân thất nghiệp, doanh nghiệp ngừng sản xuất. Đó là do trong thời kỳ kinh tế kế hoạch, một số ngành đầu tư mù quáng, xây dựng trùng lặp khiến cho cơ cấu ngành nghề mất cân đối. Vì vậy, khi xây dựng được chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp phải nghiên cứu tình hình cơ cấu ngành nghề.

Phân tích trình độ phát triển kinh tế

Trình độ phát triển kinh tế là quy mô, tốc độ phát triển kinh tế của một quốc gia, một khu vực và trình độ kinh tế đã đạt được. Các chỉ tiêu thể hiện trình độ phát triển kinh tế bao gồm tổng sản phẩm quốc dân, thu nhập quốc dân, thu nhập quốc dân tính theo đầu người, tốc độ phát triển kinh tế. Việc phân tích trình độ phát triển kinh tế có thể giúp doanh nghiệp nắm được xu thế phát triển của nền kinh tế.

Phân tích thể chế kinh tế

Thể chế kinh tế là hình thức tổ chức kinh tế của một đất nước. Nó quy định quan hệ giữa Nhà nước với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với các ngành kinh tế và thông qua các biện pháp, phương pháp quản lý nhất định để điều hoà tác động đến phạm vi, nội dung, phương thức của các hoạt động kinh tế xã hội. Nó đề ra những quy tắc và điều kiện cơ bản, có hệ thống về hình thức, nội dung, con đường sinh tồn và phát triển của doanh nghiệp. Người lãnh đạo doanh nghiệp phải nắm vững phương hướng cơ bản của cuộc cải cách, thể chế kinh tế, kịp thời xây dựng quan niệm tư tưởng và phương thức hành vi phù hợp với thể chế mới.

Phân tích chính sách kinh tế của Nhà nước

Chính sách kinh tế là mục tiêu phát triển kinh tế trong một thời kỳ nhất định do Nhà nước đặt ra và chiến lược, sách lược để đạt được mục tiêu đó. Chính sách kinh tế của một nước bao gồm chiến lược phát triển kinh tế của cả nước, chính sách ngành nghề, chính sách phân phối, chính sách giá cả, chính sách thương mại chính sách tiền lương, chính sách tài chính, chính sách tiền tệ.

Chính sách kinh tế vĩ mô quy định phạm vi và nguyên tắc hoạt động của doanh nghiệp, hướng dẫn và quy phạm phương hướng kinh doanh của doanh nghiệp, điều hoà quan hệ giữa các doanh nghiệp, các ngành, giữa cục bộ và toàn cục, bảo đảm sự vận hành bình thường của nền kinh tế quốc dân, thực hiện mục tiêu và nhiệm vụ phát triển kinh tế quốc dân.

20191204-65hdsw9uk7gffnd7nyoraqr5-1695639311.jpeg
Ảnh minh hoạ.

Phân tích môi trường khoa học kỹ thuật của doanh nghiệp

Môi trường khoa học kỹ thuật của doanh nghiệp là yếu tố khoa học kỹ thuật và tập hợp những hiện tượng xã hội có liên quan trực tiếp đến yếu tố khoa học kỹ thuật ở nơi mà doanh nghiệp sinh tồn và phát triển. Nó bao gồm 4 yếu tố: trình độ khoa học kỹ thuật của xã hội, lực lượng khoa học kỹ thuật, thể chế khoa học kỹ thuật của Nhà nước, chính sách khoa học kỹ thuật và các văn bản pháp luật về khoa học kỹ thuật. Trình độ khoa học kỹ thuật là yếu tố quan trọng nhất của môi trường khoa học kỹ thuật của doanh nghiệp. Nó bao gồm các lĩnh vực khoa học kỹ thuật được nghiên cứu và đã nghiên cứu thành công trình độ tiên tiến về khoa học kỹ thuật, trình độ vận dụng các thành quả khoa học kỹ thuật. Lực lượng khoa học kỹ thuật xã hội là thực lực nghiên cứu và phát triển khoa học kỹ thuật của một nước hoặc một khu vực. Thể chế khoa học kỹ thuật của một quốc gia là tên gọi chung của cơ cấu, phương thức vận hành hệ thống khoa học kỹ thuật của nước đó và tình hình quan hệ của nó với các bộ phận khác của nền kinh tế quốc dân, chủ yếu bao gồm địa vị xã hội của sự nghiệp khoa học kỹ thuật, nguyên tắc thiết lập và phương thức vận hành các cơ quan khoa học kỹ thuật, chế độ quản lý khoa học kỹ thuật, các kênh ứng dụng thành quả khoa học kỹ thuật và các văn bản pháp luật về khoa học kỹ thuật là căn cứ để Nhà nước thông qua quyền lập pháp và quyền hành chính, quản lý, chỉ đạo công tác khoa học kỹ thuật. Tất cả những yếu tố nói trên đều có ảnh hưởng nhiều mặt đến hoạt động sản xuất kinh doanh và quản lý của doanh nghiệp.

Hiện nay, khoa học kỹ thuật trên thế giới tiến bộ rất nhanh. Các nước phát triển phương Tây đã bước vào thời đại của nền kinh tế tri thức. Tri thức không ngừng được đổi mới, nhiều kỹ thuật mới ra đời và được áp dụng nhanh chóng khiến cho toàn bộ nền kinh tế các nước phát triển được tri thức hoá, mạng hoá. Điều đó sẽ thay đổi môi trường khoa học kỹ thuật của các doanh nghiệp, đẩy mạnh việc đổi mới khoa học kỹ thuật của xã hội, thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ và thay đổi cơ cấu ngành nghề hiện nay. Các doanh nghiệp cần nhận thấy rõ sự thay đổi đó và nắm lấy cơ hội mà sự thay đổi đó mang lại, thực hiện tiến bộ kỹ thuật và nâng cấp kỹ thuật ở doanh nghiệp mình.

20191204-o1xd7gwi77brwq7dgkykvoeh-1695639341.jpeg
Ảnh minh hoạ.

Phân tích môi trường xã hội và văn hoá

Môi trường xã hội của doanh nghiệp bao gồm sự hành thành và biến động của các tầng lớp xã hội, cơ cấu dân cư, tình hình di chuyển của dân cư, cơ cấu quyền lực xã hội, phương thức sinh hoạt và làm việc của mọi người. Hiện trạng và sự biến động của những yếu tố đó đều có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Thí dụ, giao thông phát triển sẽ dẫn đến sự di chuyển của dân cư và phân bố dân cư, do đó mà thay đổi điều kiện thương mại của doanh nghiệp. Nhịp độ sinh hoạt khẩn trương sẽ thúc đẩy sự phát triển của các hiệu ăn nhanh. Trong thời đại kinh tế tri thức, phương thức làm việc và sinh hoạt của mọi người có nhiều thay đổi đang tạo ra một không gian phát triển rộng rãi cho ngành giáo dục, khoa học kỹ thuật và các ngành dịch vụ khác, đồng thời cũng đặt ra cho công tác đào tạo nguồn nhân lực những yêu cầu cao hơn.

Môi trường văn hoá của doanh nghiệp bao gồm các yếu tố triết học, tôn giáo, ngôn ngữ, văn học, nghệ thuật. Ảnh hưởng của các yếu tố này đối với kinh doanh của doanh nghiệp phần lớn là ảnh hưởng gián tiếp nhưng không thể coi nhẹ. Thí dụ, một doanh nghiệp muốn hoạt động kinh doanh ở thị trường biên giới thì phải tuân theo phong tục, tập quán, quy định ở địa phương.

 

Viện VIM
Bạn đang đọc bài viết "Phân tích môi trường khách quan của doanh nghiệp" tại chuyên mục Khoa học quản lý.