Sản xuất - sử dụng biển số xe giả bị xử phạt như thế nào?

thunguyen

11/01/2020 20:36

Sản xuất và sử dụng biển số giả là hành vi vi phạm pháp luật, mức xử phạt hành chính cao nhất lên đến 10 triệu đồng, thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Có không ít cơ sở chuyên sản xuất và kinh doanh biển số xe giả. Đối tượng khách hàng của họ thường là những người đánh mất biển số xe nhưng không hiểu về luật nên đến để làm biển mới. Thậm chí cũng có những đối tượng gian thương buôn bán xe không đúng giấy tờ đến làm biển giả để bán. Tuy nhiên, cả người sản xuất và người sử dụng đều vi phạm pháp luật.

Sản xuất - sử dụng biển số xe giả bị xử phạt như thế nào?
Sản xuất - sử dụng biển số xe giả bị xử phạt như thế nào?

Thông tư 15/2014/TT-BCA đã quy định rất rõ về việc đăng ký xe và cấp biển số chỉ có Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ - đường sắt; Phòng CSGT, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh mới có quyền. 

Vì thế, ngoài những cơ quan trên, các cá nhân/tổ chức nào sản xuất biển số xe đều không đúng thẩm quyền và sẽ bị xử phạt. Bên cạnh đó, Luật Giao thông đường bộ năm 2018 cũng quy định tại Khoản 22, Điều 8 về việc nghiêm cấm hành vi sản xuất, sử dụng hoặc mua - bán trao đổi biển số xe cơ giới, xe máy.

Người vi phạm đều sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 29 Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ thay thế cho Nghị định 46/2016/NĐ-CP. Theo đó, người vi phạm hành vi sản xuất biển số hoặc sản xuất, lắp ráp phương tiện xe cơ giới đường bộ trái phép sẽ bị xử phạt hành chính từ 3 triệu đến 5 triệu đồng đối với cá nhân và từ 6 triệu đến 10 triệu đồng đối với tổ chức.

Hành vi sản xuất - sử dụng biển số xe giả đều bị xử phạt hành chính và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Hành vi sản xuất - sử dụng biển số xe giả đều bị xử phạt hành chính và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Ngoài ra, Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 cũng quy định tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức sẽ có mức xử phạt từ 30 triệu đến 100 triệu đồng và bị xử phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù trong thời gian từ 6 tháng đến 2 năm.

Bên cạnh đó, tại Điều 17 Nghị định 100/2019 cũng quy định mức xử phạt đối với các phương tiện sử dụng biển số xe giả như sau:

Đối với xe mô tô, xe gắn máy: Phạt tiền từ 300 nghìn đến 400 nghìn đồng nếu người điều khiển xe không gắn biển số (đối với loại xe có quy định bắt buộc gắn biển số); gắn biển số không đúng với biển số ghi trên Giấy đăng ký xe; biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp. Ngoài ra còn bị tịch thu Giấy đăng ký, biển số xe không đúng quy định.

Đối với xe ô tô: Phạt tiền từ 4 triệu đến 6 triệu đồng khi người điều khiển xe gắn biển số không đúng như Giấy đăng ký xe hoặc biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp. Đồng thời, biển số không đúng cơ quan có thẩm quyền cấp sẽ bị tịch thu và người vi phạm còn bị tước Bằng lái xe từ 1 - 3 tháng.

Đặc biệt, các trường hợp sử dụng biển số xe giả để thực hiện hành vi trái pháp luật cũng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Điều 341 Bộ luật hình sự 2015.

Người mất biển số xe cần đến cơ quan có thẩm quyền để xin cấp lại, tuyệt đối không sử dụng biển số giả
Người mất biển số xe cần đến cơ quan có thẩm quyền để xin cấp lại, tuyệt đối không sử dụng biển số giả

Do đó, tuyệt đối chúng ta không thực hiện các hành vi sản xuất - sử dụng biển số xe giả để tránh bị xử phạt theo quy định của pháp luật. Đối với những người làm mất biển số nên sớm đến cơ quan có thẩm quyền trình báo để xin cấp lại biển số mới.

Nguồn ảnh: Internet

 Đào Nhàn

thunguyen