Thủ tướng yêu cầu tuyệt đối không chủ quan vì độ mở nền kinh tế quá lớn

tamvu

31/01/2019 16:13

Người đứng đầu Chính phủ đưa ra chỉ đạo trên trong phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1.2019.

Thủ tướng Chính phủ, Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 1.2019 - Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng Chính phủ, Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 1.2019 - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Trong bối cảnh tình hình quốc tế diễn biến phức tạp, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành tuyệt đối không được chủ quan vì độ mở của nền kinh tế Việt Nam quá lớn, Cổng thông tin điện tử Chính phủ (VGP) dẫn lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1, diễn ra hôm nay ngày 31.1.2019.

Độ mở của nền kinh tế, tính theo tỉ lệ tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa trên GDP, đạt mức 196% GDP năm 2018 theo tính toán của Tổng cục Hải quan. Trước đó, độ mở nền kinh tế Việt Nam đã đạt 200% vào năm 2017, qua đó đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế mở nhất thế giới, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (World Bank).

“Tại Hội nghị tổng kết Bộ Công Thương, tôi đã nói, năm 2018, chúng ta đã xuất siêu khoảng 7,5 tỉ USD thì không có lý do gì chúng ta lại nhập siêu trong năm 2019, mà ta biết FDI vào lớn như thế này thì dễ nhập siêu cao”, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương liên quan đến Đề án về tranh chấp thương mại nói chung và tranh chấp thương mại Mỹ-Trung ảnh hưởng tới thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Năm 2018 là năm thứ 3 liên tiếp Việt Nam đạt thặng dư trong cán cân thương mại hàng hóa quốc tế. Tổng trị giá hàng hóa xuất nhập khẩu của cả nước lập kỷ lục, lần đầu tiên cán mốc 480 tỉ USD năm 2018, theo số liệu mới công bố của Tổng cục Hải quan.

Giá trị xuất nhập khẩu lần đầu tiên cán mốc 480 tỉ USD năm 2018

"Khi đã trở thành một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới, Việt Nam dễ bị tổn thương do những biến động bên ngoài, nhất là khi căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang và thanhkhoản trên toàn cầu bị thắt lại", Giám đốc Quốc gia World Bank Việt Nam, ông Ousmane Dione nhận định qua ấn phẩm Âm vang Việt Nam phát hành đầu tháng 1.2019.

Thủ tướng nhìn nhận tình hình tháng đầu tiên của năm 2019 tiếp tục xu hướng tích cực, tiếp tục giữ tiến độ đầu tư phát triển, đà tăng trưởng tốt. “Thời cơ của chúng ta rất lớn, các ngành, các địa phương phải sẵn sàng đón nhận”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu.

Việt Nam dẫn đầu 20 nền kinh tế mở nhất thế giới năm 2017
Việt Nam dẫn đầu 20 nền kinh tế mở nhất thế giới năm 2017

Người đứng đầu Chính phủ nêu rõ nhiệm vụ trọng yếu nhất năm 2019 là củng cố nền tảng vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng. Tín dụng phải được tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, là động lực của tăng trưởng, góp phần hạn chế tín dụng đen, đồng thời phải có biện pháp đối với một số lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro trong tín dụng.

Tuần trước, Thủ tướng khẳng định tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos 2019: "Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển nhanh, bền vững vào bao trùm", dựa trên 4 cơ sở bao gồm: ổn định kinh tế - xã hội, tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, xây dựng thể chế pháp luật tốt hơn và tiếp tục hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới và khu vực.
Minh Tâm

tamvu