Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2023 của TP.HCM ước tính tăng 5,81%

Gia Bảo

19/01/2024 13:54

Kết thúc năm 2023, kinh tế TP.HCM vẫn đứng vững dù phải chịu tác động lớn từ kinh tế thế giới trong bối cảnh thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, các nguồn lực về vốn, nhân lực của doanh nghiệp đang cạn dần.

Từ mức tăng trưởng GRDP 0,7% của quý I/2023, thành phố đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp để đạt mức tăng trưởng tích cực trong quý II (+5,87%), quý III (+6,71%). Nghị quyết số 98/2023/QH15 được Quốc hội ban hành vào cuối tháng 6/2023 như là động lực, tiếp thêm sức mạnh để kinh tế TP.HCM tăng tốc ở quý IV (+9,62%), góp phần đưa tăng trưởng cả năm đạt 5,81%.

Theo đó, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2023 ước tính tăng 5,81% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực thương mại dịch vụ đóng góp nhiều nhất 4,32 điểm phần trăm đồng thời có mức tăng trưởng 6,79%; khu vực công nghiệp – xây dựng đóng góp 1,03 điểm phần trăm với mức tăng trưởng 4,42%, trong đó công nghiệp đóng góp 0,87 điểm phần trăm với mức tăng trưởng 4,41%, xây dựng đóng góp 0,16 điểm phần trăm với mức tăng trưởng 4,48%; khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản đóng góp thấp nhất 0,01 điểm phần trăm và tăng 1,53%.

Về cơ cấu nền kinh tế năm 2023 (xét theo giá hiện hành), khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm tỷ trọng 0,5%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 21,9%; khu vực thương mại dịch vụ chiếm 64,9%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 12,7%.

Tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước năm 2023 ước thực hiện 439.288 tỷ đồng, đạt 93,5% dự toán và giảm 8,5% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa ước thực hiện 293.488 tỷ đồng, đạt 95,4% dự toán, giảm 4,9%; thu từ dầu thô ước thực hiện 24.800 tỷ đồng, đạt 155% dự toán, giảm 13,7%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước thực hiện 121.000 tỷ đồng, đạt 83% dự toán, giảm 15,3% so với cùng kỳ.

0000893785-a-1705647110.jpeg
 

Tổng chi ngân sách địa phương (không tính tạm ứng) năm 2023 ước thực hiện 127.408 tỷ đồng, đạt 100,8% dự toán, tăng 33,7% so với cùng kỳ. Trong đó, chi đầu tư phát triển ước thực hiện 51.896 tỷ đồng, đạt 112,7% dự toán, tăng 25% so với cùng kỳ; chi thường xuyên ước thực hiện 59.072 tỷ đồng, đạt 98,2% dự toán, tăng 22,5% so với cùng kỳ.

Đối với hoạt động ngân hàng, tổng vốn huy động tính đến ngày 31/12/2023 đạt 3.452 nghìn tỷ đồng, tăng 5,0% so với cùng kỳ. Trong đó, vốn huy động bằng VNĐ chiếm 91,9%, tăng 7,6% so với cùng kỳ; Vốn huy động bằng ngoại tệ chiếm 8,1%, giảm 17,7% so với cùng kỳ. Tổng dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố tính đến ngày 31/12/2023 đạt 3.542 nghìn tỷ đồng, tăng 7,0% so với cùng kỳ. Trong đó, dư nợ tín dụng bằng VND chiếm 95,0%, tăng 7,3% so với cùng kỳ. Dư nợ tín dụng bằng ngoại tệ chiếm 5,0% và tăng 2,3% so với cùng kỳ.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2023 không thay đổi so với tháng trước, trong đó có 04/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ giảm là giao thông (-1,89%); thiết bị và đồ dùng gia đình (-0,11%); đồ uống và thuốc lá (-0,10%); giáo dục (- 0,01%); 06/11 nhóm hàng hóa tăng so với tháng trước, tăng cao nhất là nhóm bưu chính viễn thông và nhà ở, vật liệu xây dựng (+0,51%) và có 01 nhóm hàng hóa không thay đổi so với tháng trước là thuốc và dịch vụ y tế.

So với cùng kỳ, CPI tháng 12 tăng 2,67%, trong đó chỉ riêng nhóm dịch vụ bưu chính, viễn thông giảm 3,47%; 09 nhóm còn lại đều tăng giá, nhóm giáo dục tăng cao nhất với mức tăng là 7,91% và có 01 nhóm không thay đổi là thuốc và dịch vụ y tế. Bình quân năm 2023, chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,30% so với năm 2022, chỉ trừ nhóm giao thông giảm 1,77% và bưu chính viễn thông giảm 2,04%; 9 nhóm hàng hoá dịch vụ còn lại đều tăng, trong đó, các nhóm tăng cao gồm: Nhóm giáo dục tăng 13,43%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 4,30%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 3,89%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 3,62%; đồ uống và thuốc lá tăng 3,62%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,49%.

Tính chung năm 2023, tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước thực hiện 370.607,8 tỷ đồng, tăng 11,1% so với cùng kỳ. Trong đó, vốn nhà nước ước đạt 86.231,3 tỷ đồng, tăng 23,1% so với cùng kỳ; vốn ngoài nhà nước ước đạt 248.115 tỷ đồng, tăng 7,6%; vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 36.261.5 tỷ đồng, tăng 9,8%.

Hoạt động của doanh nghiệp đăng ký thành lập doanh nghiệp (Từ ngày 01/01/2023 đến ngày 20/12/2023), TP.HCM đã cấp phép 52.108 doanh nghiệp với vốn đăng ký đạt 470.332,3 tỷ đồng, tăng 17,4% về giấy phép và giảm 0,5% về vốn so với cùng kỳ.

Cụ thể, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có số lượng doanh nghiệp cấp phép là 165 đơn vị với vốn đăng ký đạt 2.508,6 tỷ đồng, giảm 0,6% về cấp phép và giảm 8,0% về vốn so với cùng kỳ. Khu vực công nghiệp, xây dựng được cấp phép 9.574 doanh nghiệp, tăng 12,7% so với cùng kỳ; vốn đăng ký đạt 120.703 tỷ đồng, tăng 22,1% so với cùng kỳ.

Còn khu vực thương mại, dịch vụ được cấp phép 42.369 doanh nghiệp, tăng 18,7% so với cùng kỳ; vốn đăng ký đạt 347.120,7 tỷ đồng, giảm 6,4% so với cùng kỳ. Tình hình cấp phép đầu tư trực tiếp nước ngoài (từ ngày 01/01/2023 đến ngày 20/12/2023), có tổng vốn đầu tư nước ngoài vào TP.HCM là 5.852,0 triệu USD, tăng 48,5% so với cùng kỳ.

Trong đó, cấp mới có 1.202 dự án với vốn đăng ký đạt 598,4 triệu USD, giảm 0,5% về vốn so với cùng kỳ; điều chỉnh vốn đăng ký có 296 lượt dự án với số vốn điều chỉnh đạt 964,9 triệu USD, giảm 39,7% so với cùng kỳ; số lượt nhà đầu tư góp vốn, mua cổ phần là 2.314 lượt với tổng giá trị góp vốn, mua cổ phần đạt 4.288,7 triệu USD, tăng 146,7% về vốn so với cùng kỳ.

Gia Bảo