TS Giản Tư Trung: Khai phóng chính là khai mở tâm trí và giải phóng tiềm năng

Ánh Nguyệt

06/12/2023 11:04

TS Giản Tư Trung - tác giả các cuốn sách Đúng việc, Sư phạm khai phóng tại buổi đối thoại Thế hệ Doanh nhân mới với Sự học Khai phóng, diễn ra ngày 30/11 cho rằng mục tiêu của khai phóng là mang con người tới những giá trị bất biến, đồng thời vững vàng hơn trước những biến động của cuộc sống.

gian-tu-trung-1701738557.jpg
TS Giản Tư Trung

Tại quận 1, TP HCM vừa diễn ra buổi đối thoại Thế hệ Doanh nhân mới với Sự học Khai phóng. TS Giản Tư Trung - tác giả các cuốn sách Đúng việcSư phạm khai phóng, người không ngừng nỗ lực để đem đến tinh thần khai phóng cho thế hệ doanh nhân trẻ trong hơn một thập niên qua - đã có những chia sẻ thú vị về chủ đề này. 

Theo TS Giản Tư Trung Từ khai phóng trong tiếng Việt gần với sự khai sáng. Khai phóng có thể hiểu là: Khai minh và giải phóng. Khai là mở và minh là sáng.

Theo ông, con người sinh ra vốn dĩ tăm tối, nên cần được đưa ánh sáng vào để làm cho mình sáng ra. Ánh sáng đó chính là chân lý, tự do và sự thật. Nếu con người không được khai minh thì sẽ tối bền vững. Ngược lại, khi được khai minh, con người sẽ nâng cao khả năng minh định của mình, khi đó sẽ minh định được ai là ai, cái gì là cái gì và mình là ai; minh định được đúng-sai, phải-trái, chân-giả, thiện-ác, chính-tà trong cuộc sống và trong thế giới của mình.

Còn giải phóng là hệ quả tất yếu của khai minh, vì chẳng có ai được khai minh mà lại không giải phóng mình ra khỏi vô minh, giáo điều, ấu trĩ, tăm tối, ngộ nhận và lệch lạc…

Theo chia sẻ của TS Giản Tư Trung, khai phóng là khai mở tâm trí và giải phóng tiềm năng của mình. Khai mở tâm trí để có một cái đầu sáng nhằm có thể minh định được con đường đúng cùng một trái tim nóng để thôi thúc hành động. Khi tâm trí khai mở, việc phát huy hết tiềm năng để thăng hoa trong công việc và cuộc sống là điều hiển nhiên.

Nhìn ở những góc độ như thế này, ta có thể thấy, sự học khai phóng là cần thiết cho tất cả mọi người, mọi độ tuổi, mọi ngành nghề, và mọi xã hội, nhất là trong thời đại ngày nay.

"Lâu nay mọi người vẫn nói: "Giáo dục hư học nhiều quá"; thế nhưng, cho dù giáo dục đã có thực học đi chăng nữa mà chỉ tập trung vào chuyên môn nghề nghiệp thì thật ra vẫn chưa đủ. Bởi lẽ, còn tồn tại một thứ giáo dục quan trọng hơn cả "giáo dục nghề nghiệp", đó là "giáo dục khai phóng"- TS Giản Tư Trung nói.

Theo ông, có rất nhiều người còn trẻ nhưng không còn mới. Ngược lại, có nhiều người tuổi cao nhưng vẫn mới. Vấn đề có lẽ là một ngày nào đó chúng ta sẽ già đi, nhưng chúng ta không nên cũ đi. Đó là cách chúng ta hiểu về thế hệ doanh nhân mới.

"Nền tảng, tầm vóc văn hóa này được định hình bởi nhân tính, quốc tính và cá tính của chính mình. Nói rõ hơn, nhân tính, quốc tính và cá tính là đặc tính của con người tự do và con người tự do là đích đến của giáo dục khai phóng. Đó cũng chính là triết lý giáo dục mà tôi thường chia sẻ", TS Giản Tư Trung nói.

sach-khai-phong-1701738597.jpg
Cuốn sách "Sư phạm khai phóng - Thế giới, Việt Nam và tôi", do NXB Tri thức và Viện Giáo Dục IRED phát hành vào tháng 3 năm nay

Tại buổi đối thoại, đồng quan điểm với TS Giản Tư Trung, Giáo sư Chu Hảo cũng cho rằng trong mọi lĩnh vực, người quan trọng nhất luôn là người lãnh đạo, bởi khi lãnh đạo tự khai phóng chính mình, đội ngũ sẽ được khai phóng.

Còn theo Phó Giáo sư Nguyễn Thiện Tống, thế hệ doanh nhân mới cần phải thấy, phải hiểu biết, phải đi từ khai trí đến khai tâm. "Tôi rất quan trọng chuyện tư duy về nhận thức, và tiến sâu hơn là khai tâm. Có một câu chúng tôi được học từ nhỏ rằng, một tinh thần minh mẫn trong cơ thể tráng kiện, bây giờ nhìn lại thấy còn cần phải có thêm cả tấm lòng", ông Tống nói.

TS Giản Tư Trung hiện là Hiệu trưởng Trường Doanh Nhân PACE; Viện trưởng Viện Giáo dục IRED; và Phó Chủ tịch Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh. Đồng thời, ông còn là Trưởng Ban Tổ Chức Giải thưởng Sách Hay (nhằm khuyến đọc sách hay cho cộng đồng); Chủ nhiệm Học bổng Lãnh đạo Khai phóng IPL Scholarship (dành cho Lãnh đạo trẻ); Khởi xướng Trường Khai phóng Trực tuyến OpenEdu (dành cho người tự học); Sáng lập Tomorrow Leaders Academy (dành cho Sinh viên đại học); và Sáng lập PLEMS Education (dành cho Học sinh phổ thông).

Song song với vai trò lãnh đạo, nghiên cứu, giảng dạy, diễn thuyết và viết báo, ông cũng là người khởi xướng và xây dựng 05 tủ sách thiết yếu (mua bản quyền, tổ chức biên dịch và xuất bản) nhằm phục vụ cho các nhóm độc giả khác nhau: “Tủ sách Kinh điển” (dành cho Học giới), “Tủ sách Doanh trí” (dành cho Doanh giới), “Tủ sách Giáo dục” (dành cho Giáo giới), “Tủ sách Lịch sử và “Tủ sách Khai phóng” (dành cho Công chúng).

TS Giản Tư Trung cũng tác giả của cuốn sách “ĐÚNG VIỆC - Một Góc Nhìn Về Câu Chuyện Khai Minh”; tác giả cuốn sách “SƯ PHẠM KHAI PHÓNG - Thế Giới, Việt Nam & Tôi”; và chủ trì việc biên soạn bộ sách “Đạo Kinh Doanh - Việt Nam & Thế Giới” (gồm 15 cuốn).

Ông nhận bằng Thạc sĩ về Nghiên cứu Phát triển tại Học viện Sau Đại học Geneva; Tu nghiệp về Chính sách Giáo dục Quốc tế tại Đại học Harvard; Tốt nghiệp Tiến sĩ Giáo dục tại Học viện Giáo dục Quốc gia Singapore; và tốt nghiệp Tiến sĩ Giáo dục tại Đại học London (UCL).

Vì những cống hiến của ông cho giáo dục, Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới đã vinh danh TS Giản Tư Trung là một Nhà lãnh đạo toàn cầu trong vai trò là một Nhà hoạt động giáo dục.

Ánh Nguyệt