Ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng hệ thống quản lý chất thải

Trần Tùng

21/12/2023 08:20

Chiều 20/12 tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo “Ứng dụng công nghệ xử lý chất thải rắn góp phần phát triển kinh tế tuần hoàn, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững”.

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện nay, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên cả nước khoảng 60.000 tấn/ngày. Chỉ riêng 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM ngày có từ 7.000-9.000 tấn chất thải sinh hoạt. Dự báo đến năm 2025, tỷ lệ phát sinh chất thải rắn sinh hoạt tăng từ 10-16%/năm. Về vấn đề xử lý chất thải rắn sinh hoạt, hiện có trên 70% lượng chất thải được xử lý bằng chôn lấp và chỉ có 15% trong đó được chôn lấp hợp vệ sinh.

Vấn đề xử lý nước rỉ rác là một việc rất phức tạp và tốn kém. Đặc biệt, công nghệ chôn lấp hiện tại vẫn chưa thu gom được khí mêtan-một trong những nguyên nhân chính gây ra hiệu ứng nhà kính. Trước những khó khăn thách thức này, các giải pháp như phân loại, thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong tái chế chất thải rắn sinh hoạt, giảm dần việc chôn lấp trực tiếp chất thải… cần được tăng cường áp dụng.

xu-ly-chat-thai-ran-pld-1703091378.jpg
Hội thảo “Ứng dụng công nghệ xử lý chất thải rắn góp phần phát triển kinh tế tuần hoàn, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững”.

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, TS. Lê Công Lương – Phó Tổng thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết, hiện trên cả nước hiện có khoảng 400 lò đốt chất thải rắn sinh hoạt, 37 dây chuyền sản xuất phân compost (phân hữu cơ) tập trung, trên 900 bãi chôn lấp, trong đó có nhiều bãi chôn lấp không hợp vệ sinh. Một số cơ sở áp dụng phương pháp đốt chất thải rắn sinh hoạt có thu hồi năng lượng để phát điện hoặc có kết hợp nhiều phương pháp xử lý khác nhau.

Về tỷ lệ xử lý chất thải theo các phương pháp xử lý, hiện nay, khoảng 71% tổng lượng chất thải được xử lý bằng phương pháp chôn lấp; khoảng 16% tổng lượng chất thải được xử lý tại các nhà máy chế biến phân hữu cơ và khoảng 13% tổng lượng chất thải được xử lý bằng phương pháp đốt và các phương pháp khác.
Theo TS. Lê Công Lương, một trong những giải pháp thúc đẩy kinh tế tuần hoàn từ xử lý chất thải rắn sinh hoạt, là cần khuyến khích tái chế và tái sử dụng, xây dựng các chương trình khuyến khích người dân phân loại chất thải và thúc đẩy việc tái chế và tái sử dụng các vật liệu như giấy, nhựa, kim loại và thủy tinh. Đồng thời, tạo điều kiện để các doanh nghiệp sản xuất và tiếp thị các sản phẩm tái chế...

Bên cạnh đó, phát triển công nghiệp chế biến chất thải, đặc biệt là chất thải rắn sinh hoạt, khuyến khích đầu tư và phát triển các nhà máy chế biến chất thải để tách và tái chế các thành phần của chất thải sinh hoạt. Điều này sẽ tạo ra nguồn cung mới cho các nguyên liệu tái chế và giúp giảm tải lên môi trường.

Ngoài ra, cần xây dựng hệ thống quản lý chất thải hiệu quả, đầu tư vào cơ sở hạ tầng và công nghệ xử lý chất thải để tối ưu hóa quá trình xử lý và tái chế. Sử dụng các công nghệ tiên tiến như xử lý sinh học, xử lý nhiệt, hay công nghệ chất thải thành năng lượng để tạo ra sản phẩm tái chế và năng lượng sạch. Khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo, tận dụng các nguồn năng lượng tái tạo từ chất thải rắn sinh hoạt, như biogas từ quá trình phân hủy sinh học, để sản xuất điện và nhiệt. Thúc đẩy kinh doanh xanh, khuyến khích sự phát triển các doanh nghiệp và dự án kinh doanh xanh liên quan đến xử lý chất thải rắn sinh hoạt và kinh tế tuần hoàn. 

ts-le-cong-luong-pld-1703091378.jpg
TS. Lê Công Lương – Phó Tổng thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

Chia sẻ tại Hội thảo, ThS. Đặng Huy Đông – Viện trưởng Viện nghiên cứu quy hoạch và phát triển đã đưa đến một số giải pháp nâng cao hiệu quả đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư để thu hút nguồn vốn từ khu vực tư nhân và chọn được công nghệ tốt nhất xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn cho các địa phương nhằm đạt được mục tiêu cuối cùng là bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, giữ gìn an ninh trật tự xã hội và sức khoẻ cho các cộng đồng dân cư.

Trong đó, cần đảm bảo tính cạnh tranh, công bằng và minh bạch, hồ sơ mở thầu phải theo sát các tiêu chí quy định tại Điều 28, Thông tư 02/2022/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tiêu chí lựa chọn công nghệ là phải đảm bảo tính “trung lập về công nghệ - technology neutral”, không thiên vị cho một công nghệ nào. Đặc biệt, hồ sơ mở thầu ghi “công nghệ đốt rác phát điện” là vi phạm/cấm hạn chế cạnh tranh trong đấu thầu và “ưu tiên sử dụng công nghệ xử lý rác có thu hồi năng lượng” là đúng quy định pháp luật.

Trần Tùng