Vaccine và lạm bàn về câu chuyện phân phối công bằng

Tự Phong

02/08/2021 13:01

Nếu ngày xưa các cụ hay nói, đói ăn rau, đau uống thuốc thì ngày nay khi đói người ta nói - thôi, ăn gói mì tôm (mì ăn liền) tạm nhưng một bài báo trên báo Tuổi trẻ Online cho biết, viễn cảnh người dân có thể không có mì ăn liền để ăn. Đây chỉ là viễn cảnh có thể xảy ra thôi chứ chưa chắc sẽ xảy ra nhưng thông tin này cũng gây chú ý và chút hoang mang cho bạn đọc.

Trong bài báo Sản xuất mì ăn liền cũng gặp khó, đăng trên Tuổi trẻ Online dù có tiêu đề “gây tò mò để bạn đọc click vào đọc” nhưng nội dung chính là chuyện tiêm vaccine cho người lao động, cho người giao hàng, cho công nhân… để không bị đứt gãy sản xuất, chí ít là các mặt hàng thực phẩm thiết yếu.

Thời gian qua, giá cả một số mặt hàng thực phẩm tăng một phần do nhiều tỉnh thành thực hiện Chỉ thị 16 về phòng chống dịch, đồng nghĩa với đó, nhiều công ty, xí nghiệp phải dừng sản xuất, có doanh nghiệp thực hiện phương án 3 tại chỗ nhưng phương án này cũng phải dừng vì những ổ dịch phát sinh ngay trong chính doanh nghiệp ấy.

Nhưng tựu trung lại, mọi vấn đề mà doanh nghiệp, người dân đang đối diện hiện này là thiếu nguồn vaccine để tiêm cho người dân. Vì thế, khi báo chí tiếp cận với lãnh đạo doanh nghiệp thì mẫu thức chung là doanh nghiệp nào cũng đưa ra những lý do rất chính đáng và mong muốn công ty của mình được “ưu tiên” tiêm vaccine. Đây là tâm lý lấy bình thường vì ai cũng muốn tận dụng thời điểm thị trường đang khan hiếm hàng hoá để sản xuất, đưa ra hàng thị trường cả.

Nghĩa là, mấu chốt vẫn là phân bổ vaccine sao cho phù hợp. Và lúc này, thử bàn một chút về phân phối công bằng đối với vấn đề vaccine xem sao.

Trong bài Tăng trưởng kinh tế và phân phối công bằng trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN của GS Vũ Đình Bách trên Tạp chí Tuyên giáo có viết rằng, tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội là những vấn đề lớn mà bất cứ xã hội nào cũng đều quan tâm đến. Tăng trưởng nhanh và thực hiện phân phối công bằng là những mục tiêu mà nhiều quốc gia đều mong muốn đạt được.

Trong bài báo Thực hiện hiệu quả ”mục tiêu kép” đăng trên Báo điện tử Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, trong bối cảnh diễn biến dịch COVID-19 và những khó khăn, thách thức của kinh tế thế giới và trong nước, nhiệm vụ trọng tâm hiện nay của các bộ, ngành và địa phương là thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới; hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 đề ra; trong đó cần nêu cao quyết tâm, tập trung cao độ thực hiện các nhiệm vụ, công việc theo mục tiêu đề ra; tăng cường đôn đốc, kiểm tra, khắc phục tình trạng trì trệ trong thực hiện nhiệm vụ, nhất là cần chỉ đạo thực hiện ngay những công việc còn tồn đọng hoặc chậm tiến độ do nghỉ Tết, đẩy nhanh tiến độ công việc và thủ tục liên quan trực tiếp tới hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư của doanh nghiệp và người dân. (hết trích dẫn)

Vì thế, theo người viết, Việt Nam muốn phát triển kinh tế theo mục tiêu kép là vừa phòng chống dịch vừa phát triển sản xuất thì phải phân phối vaccine công bằng. Công bằng ở đây là vừa đủ cho lực lượng tuyến đầu trong công tác phòng chống dịch như bác sĩ, y tá cùng những ai có liên quan và tiếp theo là ưu tiên vaccine cho những ai ở khâu phát triển sản xuất.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, khi báo chí tiếp cận với doanh nghiệp thì phần nhiều đều nghe doanh nghiệp than là “chúng tôi đang khát vaccine”. Lời than ấy là có lý do vì để đạt mục tiêu kép, Việt Nam vừa ưu tiên chống dịch nhưng ở những địa phương nào dịch chưa bùng phát thì phải ưu tiên sản xuất. Như vậy, để tránh/giảm những lời than phiền từ người dân, lúc này cần phân phối công bằng vaccine. Nhưng như thế nào là công bằng, xin trích dẫn ý kiến của GS Vũ Đình Bách trước khi kết thúc bài viết này.

Về lý luận, công bằng xã hội là khái niệm mang tính triết lý và chịu ảnh hưởng của nhiều nhân tố như chính trị, đạo đức, tâm lý. Đối với người Việt Nam từ xưa đến nay vẫn xem công bằng là đạo lý cuộc sống “công bằng là đạo người ta ở đời”. Theo nghĩa thông thường công bằng là theo đúng lẽ phải, không thiên vị”. Phạm trù công bằng được sử dụng rất rộng. Trong lĩnh vực kinh tế, công bằng thường gắn với hình thức phân phối. Doanh nghiệp, là người trực tiếp tổ chức toàn bộ chu trình sản xuất, trực tiếp tạo việc làm, tạo của cải xã hội và gánh chịu toàn bộ rủi ro.

Về phần mình, nhà nước sử dụng phần thu nhập của mình để cung cấp các dịch vụ công cộng, đảm bảo an ninh quốc phòng và trực tiếp phân bổ nguồn lực phát triển, thực hiện điều hoà lợi ích kinh tế giữa doanh nghiệp và người lao động, giữa hai khu vực sản xuất và phi sản xuất, giữa tăng trưởng và công bằng xã hội.

Ở một gốc độ nào đó, chính những thông tin về việc một số cá nhân được quyền lựa chọn vaccine để tiêm như câu chuyện của hoa khôi báo chí tuần trước đã ít nhiều tạo ra thông tin dư luận về sự thiên vị, thiếu sự công bằng trong việc phân phối vaccine của người dân. Tuy đây chỉ là một cá nhân nhưng lại là con sâu làm rầu nồi canh.

Vì thế, để đạt được mục tiêu kép - vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới thì phân phối công bằng (vaccine) cần được cân nhắc và xem xét sao cho đúng nghĩa của cụm từ này.

Tự Phong