Vì sao giao tiếp bằng ngôn ngữ cơ thể quan trọng đối với nhà quản lý?

Dương Tống - CEO HomeNext, OnHomeAsia, Tác giả sách

25/03/2024 14:01

Sự tự tin không chỉ nằm ở lời nói, mà nó còn được thể hiện qua ngôn ngữ hình thể mà ta sử dụng hằng ngày. Đây là một phần không thể thiếu để làm nên sự thành công của mỗi người, đặc biệt là đối với nhà quản lý. Hãy theo dõi bài viết dưới đây để biết cách đọc và sử dụng ngôn ngữ cơ thể một cách thành thạo, mở ra cánh cửa của sự hiểu biết sâu về con người và tạo điều kiện thuận lợi cho sự giao tiếp hiệu quả.

Sự tự tin không chỉ nằm ở lời nói, mà nó còn được thể hiện qua ngôn ngữ hình thể mà ta sử dụng hằng ngày. Đây là một phần không thể thiếu để làm nên sự thành công của mỗi người, đặc biệt là đối với nhà quản lý. Có đôi lúc, các bạn sẽ khó kiểm soát được cơ thể của mình và nó khiến cho lời nói của bạn trở nên gượng gạo, làm mất đi sự tự tin của bản thân. Do đó, khi biết cách đọc và sử dụng ngôn ngữ cơ thể một cách thành thạo, bạn sẽ mở ra cánh cửa của sự hiểu biết sâu về con người và tạo điều kiện thuận lợi cho sự giao tiếp hiệu quả. 

Vì sao giao tiếp bằng ngôn ngữ cơ thể quan trọng đối với nhà quản lý?

Đối với một nhà quản lý, bạn luôn phải biết làm thế nào để truyền đạt lời nói của mình đến nhân viên, đến cấp trên trong những buổi thuyết trình hay chỉ đơn giản là giao tiếp qua lại. Đây là một điều vô cùng cần thiết để khẳng định vị trí của bạn trong công ty. 

Bạn nên nhớ rằng, nội dung mà bạn nói ra chỉ chiếm 7%, 33% là về ngữ điệu và 55% chính là ngôn ngữ cơ thể. Đây là một quy tắc bất di bất dịch và nếu bạn biết tận dụng quy tắc này triệt để thì chắc chắn cơ hội thành công đến với bạn là điều hiển nhiên.

Vậy, giao tiếp bằng ngôn cơ thể đóng vai trò quan trọng như thế nào với nhà quản lý?

– Đầu tiên, sự tự tin được khai mở

Giao tiếp là trái tim của sự kết nối thể hiện qua từng lời nói, cử chỉ, ánh mắt và cơ thể của bạn. Với nhà quản lý, giao tiếp bằng ngôn ngữ cơ thể sẽ giúp các bạn đạt được sự tự tin, quyết đoán và sẵn lòng lắng nghe. Khi bạn tỏ ra tự tin, đồng nghiệp và nhân viên sẽ cảm nhận được sự kiên nhẫn và tôn trọng từ phía bạn.

– Thứ hai, tạo ra môi trường làm việc thân thiện, tích cực

Sử dụng body language hiệu quả trong giao tiếp sẽ giúp nhà quản lý xây dựng một môi trường làm việc tích cực. Các bạn sẵn lòng quan tâm và lắng nghe những tâm sự của nhân viên, giúp họ gỡ bỏ những khúc mắc đang gặp phải. Chính sự thân thiện, hòa đồng từ bạn sẽ tạo nên một không gian thoải mái – nơi mà những ý kiến của mọi người đều được tiếp nhận, cùng xây dựng mối quan hệ lành mạnh nơi công sở.

– Thứ ba, xác định tâm trạng và tình cảm của người khác

Ngôn ngữ cơ thể cũng giúp nhà quản lý xác định tâm trạng và tình cảm của người khác. Bằng cách chú ý đến biểu cảm và cử chỉ, các bạn có thể nhận biết được những sự lo lắng, vui mừng hoặc sự căng thẳng ẩn sau lời nói của đồng nghiệp. Từ đây, các bạn sẽ tìm ra được giải pháp giúp cho nhân viên của mình giải tỏa tâm lý.

Như vậy, không thể phủ nhận rằng ngôn ngữ cơ thể đóng vai trò quan trọng và không thể thiếu đối với sự thành công của nhà quản lý. Đó là cách để tạo ra một môi trường làm việc hòa thuận và đồng lòng, từ đó khơi nguồn động lực và tiến bộ cho cả nhóm.

Những lỗi sai khi sử dụng ngôn ngữ cơ thể không đúng cách của cho nhà quản lý

Mặc dù ngôn ngữ giao tiếp bằng cơ thể sẽ mang lại lợi thế rất lớn làm nên thành công của quản lý. Tuy nhiên, nếu các bạn không sử dụng đúng cách thì có thể tạo ra những hậu quả không mong muốn.

Thanh Trang – một cô gái tài giỏi, đang làm quản lý bộ phận truyền thông của công ty bánh kẹo ABB và việc cô được bổ nhiệm vị trí quản lý điều có lý do chính đáng. 

Trang là luôn là một cô gái nhiệt huyết, năng nổ trong công việc, cô rất thích tìm tòi học hỏi, khả năng tư duy sáng tạo tốt vì thế nó giúp cho Trang luôn là người tiên phong trong mọi dự án của công ty. Không chỉ có chuyên môn giỏi, Trang cũng rất được lòng đồng nghiệp bởi sự vui vẻ, biết quan tâm, hỗ trợ mọi người làm việc. 

Thật ra, để có được thành tựu như hiện tại, không ai biết rằng Thanh Trang đã phải trải qua những ngày tháng tập luyện vất vả. Trước đây, cô rất rụt rè, nhút nhát, cô ngại giao tiếp và lo sợ đứng trước đám đông. Mỗi lần nói chuyện, cô cứ ấp a ấp úng, không dám nhìn người khác, hay lo sợ. Đặc biệt, hễ có vấn đề gì xảy ra là dễ mất bình tĩnh, tay chân cứ luống cuống làm cho mọi thứ rối tung cả lên. Nên điều đó làm cho nhiều đồng nghiệp không thích tiếp xúc với cô. Dù độ tập trung làm việc rất tốt, rất chăm chỉ nhưng vì nỗi sợ trong giao tiếp khiến cô tự ti và công việc cũng chẳng mấy suôn sẻ. 

Và một tình huống đã xảy ra và nó khiến cô buộc phải thay đổi chính mình. Ngày đó, cô được quản lý cũ giao cho cô phụ trách một dự án quảng cáo sản phẩm mới của công ty và cô phải trình bày trước ban giám đốc. Vừa nhận được nhiệm vụ, cô đã cảm giác vô cùng áp lực, mất ngủ suốt mấy đêm vì nghĩ rằng mình sẽ không thể nào làm tốt được và nỗi sợ ấy đi theo cô đến ngày họp. Khi đứng trước mọi người để bắt đầu bài thuyết trình, Trang cảm nhận được cả cơ thể của mình căng cứng, run rẩy, khuôn mặt đầy sự lo lắng, giọng nói ậm ừ không rõ lời, hơn nữa cô còn chẳng dám nhìn vào mắt người đặt câu hỏi cho cô. Và thế là cô đã thất bại hoàn toàn vào ngày hôm đó, dù ý tưởng cô đề ra rất hay nhưng cô cũng nhận lại nhiều lời phê bình từ ban giám đốc. Nó khiến cô suy sụp và stress trong thời gian khá dài.

Tự tin trong giao tiếp

Không kiểm soát cảm xúc tốt trong giao tiếp (Nguồn: Sưu tầm)

Sau hôm ấy, Trang đã tự suy ngẫm và đánh giá lại bản thân của mình. Trang nghĩ rằng nếu cô vẫn sống mãi với sự lo sợ ấy thì chẳng bao giờ có thể chạm đến sự thành công mà cô mong muốn. Và cũng không bao giờ có những mối quan hệ tốt đẹp với mọi người. Những suy nghĩ ấy đã thúc ép cô đặt ra mục tiêu cho bản thân mình. 

Trang bắt đầu quyết tâm thay đổi, mỗi ngày đều cố gắng học kỹ năng giao tiếp, trao dồi thêm kiến thức chuyên môn cho mình. Không chỉ thế, cô còn rèn luyện sức khỏe của mình, giúp thân – tâm – trí của cô hòa làm một. Chỉ trong 2 tháng, Trang đã có sự lột xác ngoạn mục, nó khiến cho tất cả mọi người đều ngỡ ngàng và khâm phục trước sự kiên cường của cô. Từ một cô gái giao tiếp kém biến hóa thành một người tràn đầy sự tự tin với ngôn từ linh hoạt. Cô thành công trong mọi việc, cũng bắt đầu cởi mở lòng mình và các mối quan hệ với đồng nghiệp trở nên khăng khít với nhau nhiều hơn. Thanh Trang chính là tấm gương sáng cho các bạn trẻ noi theo.

Từ câu chuyện ngắn của Thanh Trang, các bạn cũng phần nào nhìn ra được những lỗi sai khi giao tiếp bằng ngôn ngữ cơ thể, hãy chú ý những điểm sau: 

– Không nhìn vào mắt đối phương: việc chúng ta thường ngại ngùng khi phải nhìn vào mắt của người khác để nói chuyện vì sợ người khác sẽ đọc ra được hành vi của mình. Và hậu quả để lại chính là bạn vô tình tạo ra rào cản giao tiếp cho bản thân. Từ đây, người khác có thể nghĩ bạn là người thiếu đi sự tôn trọng, quan tâm đến những gì họ nói với bạn.

– Khóa cơ thể: Việc giữ các bộ phận cơ thể cứng đờ, không linh hoạt thể hiện sự căng thẳng hoặc không thoải mái. 

 Không cười hoặc cười quá nhiều: Nụ cười thường được xem là dấu hiệu của sự thoải mái và thân thiện. Tuy nhiên, cười quá nhiều có thể tạo ra cảm giác không nghiêm túc hoặc không chuyên nghiệp.

 Không sự lắng nghe: Phản ứng cơ thể của người nghe cũng quan trọng. Nhà quản lý cần phải chú ý đến ngôn ngữ cơ thể của người nghe để hiểu rõ họ đang nghĩ và cảm nhận.

– Ngôn ngữ cơ thể không phù hợp với tình huống: Một số ngôn ngữ cơ thể như việc giơ ngón tay áp út, gật đầu hoặc lắc đầu có thể mang lại thông điệp khác nhau trong từng ngữ cảnh. Nhà quản lý cần phải hiểu rõ về ý nghĩa của từng biểu hiện và sử dụng chúng một cách chính xác.

– Tay chéo trên ngực: Tư thế này thường tạo ra cảm giác phòng thủ hoặc khó gần gũi. Hãy để tay tự nhiên và thoải mái.

Khoanh tay chéo ngực

Khoanh tay trước ngực là biểu hiện của tư thế phòng thủ, khó gần (Nguồn: Sưu tầm)

– Biểu cảm kém linh hoạt: Khi khuôn mặt luôn cứng đờ, không thể hiện được cảm xúc, có thể tạo ra sự lạnh lùng hoặc khó đoán. Và người nghe không cảm nhận được thiện cảm từ nơi bạn và khó tiếp nhận những gì mà bạn truyền đạt đến họ.

– Chuyển đổi tư thế quá nhanh: Nếu thay đổi tư thế quá nhanh hoặc không liên quan đến nội dung đang nói, có thể gây ra sự hiểu nhầm hoặc mất tập trung.

Nhớ rằng, ngôn ngữ cơ thể là ngôn ngữ của tâm hồn, của sự chân thành và tôn trọng. Hãy đọc phần cuối của bài viết này đưa các bạn khám phá những biểu hiện của cơ thể, giúp các bạn phát huy khả năng giao tiếp của mình.

Cách biểu đạt ngôn ngữ cơ thể giúp quản lý tự tin trong giao tiếp

1. Gương mặt

– Nụ cười thân thiện, chân thành:

Một nụ cười chân thành mang lại sự thoải mái và làm tăng sự tin tưởng giữa nhà quản lý và đội nhóm. Khi cười, bạn trở nên dễ gần và thân thiện hơn. Khi đó, tất cả các hormone hạnh phúc được giải phóng và ngay lập tức bạn cảm thấy vô cùng thư thái và dễ chịu. Ngoài ra, nụ cười cũng rất dễ lây lan tạo mọi người xung quanh cũng cảm thấy thoải mái hơn và xem bạn là một nhà quản lý tự tin, thân thiện, đáng kính.

Tuy nhiên, điều quan trọng là phải chân thành, đừng để nụ cười ấy thành sự gượng ép hay còn bị xem là giả tạo. Điều này chỉ khiến cho bạn mất thiện cảm từ người đối diện. Cho nên, hãy nở nụ cười tự nhiên nhất để giúp các bạn có những cuộc giao tiếp tự tin, thoải mái và xây dựng mối quan hệ đồng nghiệp một cách bền vững hơn.

nụ cười trong ngôn ngữ cơ thể

Nụ cười tự nhiên giúp bạn dễ thu hút sự chú ý từ người nghe (Nguồn: Sưu tầm)

– Tạo sức hút với thần thái tự tin:

Để sử dụng body language trong giao tiếp hiệu quả bạn cần có một thần thái hoàn mỹ. Không cần nghĩ đao to búa lớn gì, nó chỉ đơn giản là việc bạn luôn phải biết tự tin vào bản thân mình. Sự tự tin có trong mỗi người, khi bạn biết cách thể hiện nó, bạn sẽ tỏa ra một lực hút rất mãnh liệt. Nó sẽ thường được thể hiện qua đôi mắt của bạn. Khi bạn muốn truyền đạt nhấn mạnh quyết liệt về vấn đề nào đó, hay trao yêu thương đến người khác thì đôi mắt của bạn sẽ nói lên tất cả. 

Cho nên, việc thể hiện thần thái tự tin qua đôi mắt sẽ giúp cho nhà quản lý truyền đạt sự chắc chắn, sự mạnh mẽ và quyết tâm của mình. Điều các bạn thể hiện sẽ ảnh hưởng đến cấp dưới của bạn, họ sẽ cảm nhận được sự an tâm, và thúc đẩy họ làm việc một cách hiệu quả hơn.

– Ánh nhìn vừa đủ:

Mặc dù giao tiếp bằng mắt rất quan trọng trong việc xây dựng mối quan hệ với tất cả mọi người. Nhưng nếu bạn vô tình nhìn chằm chằm vào người quá nhiều sẽ dễ khiến đối phương cảm thấy khó chịu. Còn nếu quá ít thì sẽ bị coi là người thiếu tôn trong, thiếu sự trung thực.

Vì vậy, hãy ghi nhớ bạn cần đảm bảo giao tiếp bằng mắt vừa đủ (khoảng 7-10 giây), với những khi bạn lắng nghe người khác nói thì có thể giữ ánh mắt lâu hơn. Điều này sẽ giúp những người giao tiếp với bạn có được sự thoải mái hơn.

ánh mắt trong ngôn ngữ cơ thể

Tránh nhìn chằm chằm hay nhìn thoáng chốc sẽ gây mất kết nối trong giao tiếp (Nguồn: Sưu tầm)

– Tránh biểu lộ sự căng thẳng hoặc lo lắng:

Biểu lộ của sự căng thẳng, bất an trên khuôn mặt của quản lý, điều này có thể tạo ra sự lo ngại, bất an trong nhóm. Nhóm có thể cảm nhận được tâm trạng của nhà quản lý và có thể ảnh hưởng đến tinh thần làm việc của họ. Hãy lưu ý điều này để các bạn tránh rơi vào trạng thái tiêu cực nhé.

2. Giọng nói

Sau gương mặt chính là việc sử dụng giọng nói, nó sẽ gồm việc bạn sử dụng âm điệu và tốc độ khi nói chuyện với mọi người.

– Âm điệu trầm ổn:

Sử dụng biến đổi âm điệu là một cách rất hiệu quả để tăng sự thú vị và sự chú ý của người nghe. Khi nhà quản lý sử dụng biến đổi âm điệu, đôi khi làm nổi bật một từ hay một ý quan trọng, điều này có thể giúp thông điệp trở nên rõ ràng và dễ tiếp thu hơn. Ngoài ra, các bạn có thể dùng tông giọng trầm, giọng vang để tạo sự thu hút thay giọng cao, mỏng hoặc giọng mũi có thể gây khó chịu.

– Tốc độ vừa phải dễ nghe:

Hãy nói với tốc độ vừa phải, tránh nói quá nhanh hoặc quá chậm. Khi nhà quản lý nói quá nhanh, điều này có thể làm mất đi sự rõ ràng của thông điệp và làm cho người nghe cảm thấy khó theo kịp. Ngược lại, nếu nói quá chậm, thông điệp có thể trở nên chán chường và mất đi tính linh hoạt.

3. Ngôn ngữ tay trong giao tiếp

Nếu đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, thì bàn tay chính là tấm gương phản chiếu trạng thái tâm trí của một người nào đó. Khi dùng ngôn ngữ tay trong giao tiếp, các bạn phải sử dụng nó vào đúng thời điểm và phù hợp với nội dung. Điều này sẽ hỗ trợ các bạn nhấn mạnh nội dung trong  thông điệp cần truyền tải.

– Ngửa lòng bàn tay, hướng ra ngoài:

Khi giao tiếp hay thuyết trình trước đám đông thì việc nhà quản lý thể hiện lời nói của mình qua cử chỉ tay cũng ảnh hưởng rất nhiều đến tâm trạng của người nghe. Nếu các bạn nói chuyện và úp lòng bàn tay xuống mang lại cảm giác đe dọa và khiến người nghe có cảm giác phải phục tùng. Thay vì thế, hãy giữ lòng bàn tay ngửa lên và hơi mở ra, điều này thể hiện bạn là một người cởi mở, trung thực và người nghe cũng cảm thấy thoải mái khi nghe bạn chia sẻ.

Cử chỉ tay trong ngôn ngữ hình thể

Ngửa lòng bàn tay như một lời mời gọi chân thành người nghe đến với câu chuyện của bạn (Nguồn: Sưu tầm)

– Tránh chắp tay sau lưng hoặc đặt tay lên hông:

Việc chắp tay sau lưng hay đặt tay lên hông sẽ khiến bạn trở nên rất khó coi. Nó sẽ làm người nghe liên tưởng đến cảnh tượng như đang bị người lớn la rầy. Điều này cũng khiến nhà quản lý trở nên thiếu chuyên nghiệp và người nghe sẽ có cảm giác bạn đang cố gắng ra lệnh thay vì hướng dẫn họ. Cho nên, hãy sử dụng cử chỉ tay một cách khéo léo để chúng trở thành một công cụ hữu ích trong giao tiếp.

Tư thế tay trong giao tiếp hình thể

Chắp tay sau lưng hoặc đặt lên hông thể hiện sự nghiêm ngặt trong giao tiếp, khiến người nghe chỉ thêm e dè trước bạn (Nguồn: Sưu tầm)

– Bàn tay tạo hình tháp:

Để tiếp thêm sự tự tin cho nhà quản lý trong giao tiếp bằng cử chỉ tay, hãy để các đầu ngón tay của bạn chạm vào nhau dạng hình tháp một cách nhẹ nhàng. Cử chỉ này thường được sử dụng trong thời điểm trung gian chẳng hạn như việc thay đổi suy nghĩ hay chủ đề trao đổi. Đây là cách mà vô cùng hiệu quả và giúp cho cuộc trò chuyện của bạn trở nên trôi chảy, thu hút hơn.

– Hãy thật thư giãn:

Đừng cố gượng ép bản thân phải thực hiện các cử chỉ tay quá nhiều vì điều đó sẽ khiến bạn mất đi sự tự nhiên. Đôi lúc bạn hãy thả lỏng tay của mình để bên hông nó sẽ giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn.

4. Sự di chuyển của cơ thể

Khi cần thiết, nhà quản lý hãy di chuyển một cách nhẹ nhàng, không quá nhanh hoặc mất kiểm soát. Điều quan trọng là giữ được sự ổn định và vững vàng trong khi di chuyển.

Ngoài ra, tư thế đứng thẳng cũng tạo nên lợi thế cho bạn trong việc truyền tải thông điệp một cách mạnh mẽ hơn. Vì khi đứng lung lay quá mức, tạo sự mất ổn định và ảnh hưởng đến sự tin tưởng của nhóm.

5. Tư thế ngồi

Một phong thái tự tin trong giao tiếp không chỉ thể hiện qua việc di chuyển mà còn biểu hiện qua tư thế ngồi của nhà quản lý. Để giúp các bạn có được một tư thế ngồi tốt khi trò chuyện với đội nhóm hay cấp trên hãy thực hiện các tư thế sau:

– Ngồi thẳng lưng:

Giữ tư thế ngồi thẳng lưng là rất quan trọng. Điều này tạo ra ấn tượng về sự chắc chắn, tự tin, nó cũng thể hiện được bản lĩnh của các bạn trước người đối diện. 

Ngoài ra, ngồi thẳng lưng còn tốt cho sức khỏe vì giảm áp lực lên cột sống. Hãy ngồi thoải mái, giữ thẳng lưng ở bất kì tình huống nào. Nếu hơi mỏi hoặc căng thẳng, bạn có thể nhẹ nhàng đổi tư thế để cảm thấy thoải mái hơn.

– Không ngả về phía sau:

Hành động này có thể tạo ra ấn tượng không tốt và ảnh hưởng đến sự chuyên nghiệp của nhà quản lý. Việc giữ thái độ nghiêm túc và tập trung sẽ tăng cường sự tin tưởng của nhóm.

– Giữ khoảng cách hợp lý:

Khi ngồi cùng nhóm, hãy giữ khoảng cách vừa đủ để tạo sự thoải mái. Không ngồi quá gần, để không làm mất không gian riêng tư của người khác. Điều này giúp nhà quản lý tạo ra một môi trường làm việc thoải mái và chuyên nghiệp hơn.

– Hơi thở tinh thần:

Ngoài ra, để giúp bản thân duy trì cử chỉ cơ thể này một cách tự nhiên, hãy hít thở sâu vài lần sau mỗi nửa giờ, hít hết không khí xuống bụng rồi từ từ thở ra. Điều này sẽ giúp vai được thư giãn và thẳng hàng với đầu của bạn.

Tạm kết

Tóm lại, để có một cuộc giao tiếp hiệu quả thì ngôn ngữ cơ thể cũng là một thành phần rất quan trọng, nó không chỉ mang đến trạng thái tự tin, bản lĩnh mà còn giúp nhà quản lý truyền năng lượng tích cực, tạo sự gắn kết giữa các thành viên trong đội nhóm. Tôi hi vọng từ những chia sẻ của bài viết trên đây sẽ giúp các bạn phát huy tối ưu khả năng giao tiếp và thành công trong việc xây dựng các mối quan hệ xung quanh mình.

Dương Tống - CEO HomeNext, OnHomeAsia, Tác giả sách