Việt Nam là thị trường tiềm năng của Unilever

dang.pham

13/06/2019 15:57

Công ty đa quốc gia Unilever sẽ đầu tư mạnh vào các thị trường mới nổi trong đó có Việt Nam trong thời gian tới.

Trong hội nghị Deutsche Bank Global Consumer diễn ra tại Paris ngày 11.6, đại diện Unilever cho biết, Việt Nam sẽ là một trong những thị trường mà tập đoàn đa quốc gia này đầu tư mạnh trong thời gian sắp tới.

“Với kết hợp của quy mô dân số lớn, tốc độ phát triển kinh tế và thói quen sử dụng các mặt hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), những quốc gia như Việt Nam, Pakistan, Bangladesh, Myanmar và thậm chí Ethiopia sẽ trở thành những ngôi sao tăng trưởng của chúng tôi trong những năm tới đây,” Jope chia sẻ tại Deutsche Bank Global Consumer conference in Paris, theo Reuters.

Xà phòng Lifebuoy - một trong những sản phẩm phổ biến nhất của Unilever (Ảnh: Unilever)
Xà phòng Lifebuoy - một trong những sản phẩm phổ biến nhất của Unilever (Ảnh: Unilever)

“Những yếu tố trên sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong tương lai và chúng tôi đang có kế hoạch đầu tư rất mạnh”, Jope nói.

FMCG là thuộc nhóm mặt hàng mà các hộ gia đình Việt Nam chi trả nhiều nhất. Trung bình một hộ gia đình ở khu vực thành phố dành tới gần 30% tổng chi tiêu hàng tháng cho các mặt hàng tươi sống và FMCG, con số này ở khu vực nông thôn là 26%, theo báo cáo 2019 của công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel.

Tuy nhiên, việc tiếp cận khách hàng của ngành FMCG ở Việt Nam lại ngày càng khó khăn do chi phí cao, và số lượng sản phẩm mới ra mắt ngày càng nhiều, theo nhận định của Kantar Worldpanel. Các sản phẩm mang tính đột phá như kem đánh răng chống ê buốt răng, sẽ dẫn đầu một trào lưu sản phẩm mới, và được các hãng theo đuổi.

Các công ty hàng đầu trong ngành FMCG tại Việt Nam như Vinamilk hay TH True milk ước tính mỗi ngày phải chi số tiền lên tới hàng tỉ đồng cho việc quảng cáo, khuyến mại, nghiên cứu thị trường.

Unilever là công ty đa quốc gia chuyên sản xuất và phân phối các sản phẩm FMCG thuộc ba nhóm chính gồm thực phẩm, đồ ăn nhẹ, sản phẩm gia đình và mỹ phẩm chăm sóc cá nhân. Công ty cho biết doanh số tại các thị trường mới nổi trong quý vừa rồi có bước nhảy vọt 5%, so sánh với mức 0,3% của các thị trường đã phát triển của công ty, theo Reuters.

Gần 60% doanh số của Unilever cũng đến từ các thị trường mới nổi bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil, theo báo cáo công ty công bố tại hội nghị.

Có mặt tại Việt Nam từ năm 1995, Unilever đã đầu tư 300 triệu USD để xây hai nhà máy tại TP.HCM và Bắc Ninh. Công ty hiện thiết lập mạng lưới hơn 150 nhà phân phối và hơn 300 nghìn nhà bán lẻ. Mỗi ngày có khoảng 35 triệu sản phẩm của Unilever được sử dụng tại Việt Nam, theo thông tin từ website.

Hiện có 26 nhãn hàng của Unilever hiện diện tại Việt Nam trong tổng số 400 nhãn hàng trên 190 quốc gia.

dang.pham
Bạn đang đọc bài viết "Việt Nam là thị trường tiềm năng của Unilever" tại chuyên mục Khoa học quản lý.