Việt Nam đã thu hút được bao nhiều vốn đầu tư nước ngoài trong 35 năm qua?

Gia Bảo

29/12/2023 10:16

Sau 35 năm, Việt Nam đã thu hút được gần 438,7 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài. Trong số này, đã có 274 tỷ USD đã được giải ngân, bằng 62,5% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực. Đến nay, 129 quốc gia/vùng lãnh thổ đã đầu tư vào Việt Nam.

Theo dự thảo "Báo cáo rà soát đánh giá tổng thể về chính sách khuyến khích đầu tư tại Việt Nam hiện nay và một số kiến nghị", Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) cho biết, trải qua hơn 35 năm thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam đã liên tục hoàn thiện thể chế, chính sách ưu đãi đầu tư để thu hút và quản lý tốt hơn nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước. Về cơ bản, các ưu đãi đầu tư chủ yếu của Việt Nam tập trung vào 03 nhóm: Ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp; ưu đãi về Thuế xuất nhập khẩu; ưu đãi về tài chính đất đai.

Các tiêu chí để được hưởng ưu đãi đầu tư được thiết kế với 03 nhóm chính gồm: Địa bàn đầu tư; ngành nghề, lĩnh vực đầu tư; quy mô dự án đầu tư.

Theo dự thảo của Bộ KH-ĐT, số lượng doanh nghiệp đã đăng ký thuế và đang hoạt động tăng qua các năm: năm 2011 là 457.217 doanh nghiệp, đến năm 2017 là 561.064 doanh nghiệp và đến hết năm 2021, Việt Nam đã có gần 860.000 doanh nghiệp đang hoạt động.

Nhờ chính sách ưu đãi đối với khu công nghiệp, số lượng Khu công nghiệp (KCN) của Việt Nam đã tăng lên đáng kể. Từ con số 01 KCN năm 1991, lên đến 260 KCN năm 2010, 326 KCN năm 2017 và 406 KCN năm 2022.

412700578-889086042891477-4989251124010535374-n-1703819741.jpeg
Đến nay, 129 quốc gia/vùng lãnh thổ đã đầu tư vào Việt Nam. Ảnh: NQL

Sau hơn 30 năm mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đã không ngừng tăng. Cho đến nay, sau 35 năm, Việt Nam đã thu hút được gần 438,7 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài. Trong số này, đã có 274 tỷ USD đã được giải ngân, bằng 62,5% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực. Đến nay, 129 quốc gia/vùng lãnh thổ đã đầu tư vào Việt Nam. Các dự án FDI đã hiện diện tại 63/63 địa phương, vốn FDI cũng đã được đầu tư vào 19/21 ngành nghề sản xuất kinh doanh của Việt Nam.

Khu vực doanh nghiệp có vốn ĐTNN đã đóng góp đáng kể cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Số thu ngân sách nhà nước (NSNN) từ khu vực doanh nghiệp có vốn ĐTNN luôn tăng trưởng ổn định. Khu vực ĐTNN cũng đã đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách, với giá trị nộp ngân sách tăng từ 1,8 tỷ USD (giai đoạn 1994 - 2000) lên 14,2 tỷ USD (giai đoạn 2001 - 2010). Giai đoạn 2011 - 2015, thu ngân sách từ khu vực FDI đạt 23,7 tỷ USD, chiếm gần 14% tổng thu ngân sách; năm 2017, khu vực FDI đã đóng góp vào thu ngân sách gần 8 tỷ USD, chiếm 14,46% tổng thu ngân sách nhà nước; năm 2021, khu vực FDI đóng góp vào thu ngân sách khoảng 9,6 tỷ USD, chiếm 17% tổng thu ngân sách nhà nước.

Đặc biệt, một số dự án FDI lớn, thường được Chính phủ ban hành các ưu đãi thuế cao, như các dự án của Samsung tại Bắc Ninh và Thái Nguyên, đã đóng góp mạnh mẽ vào xuất khẩu của Việt Nam trong những năm gần đây.

Năm 2015, tổng kim ngạch xuất khẩu từ các dự án của Samsung tại Việt Nam đạt hơn 30 tỷ USD, chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Năm 2022, kết quả sản xuất, kinh doanh của Samsung cũng rất ấn tượng, xuất khẩu đạt 65 tỷ USD, chiếm 8,9% kim ngạch xuất khẩu Việt Nam, đóng góp quan trọng vào quá trình hồi phục và phát triển kinh tế của Việt Nam.

Ngoài ra, với sự tham gia mạnh mẽ của lĩnh vực FDI trong hoạt động xuất khẩu, xuất khẩu từ các sản phẩm có giá trị gia tăng cao đã mở rộng nhanh hơn so với nhóm sản phẩm xuất khẩu truyền thống.

Gia Bảo