Vietnam Airlines chính thức niêm yết trên HoSE

dang.pham

07/05/2019 14:15

Sáng nay 7.5, Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) vừa chính thức niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM trong giai đoạn tăng trưởng mạnh của hàng không.

Cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines đã chính thức niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE), giá tham chiếu 40.600 đồng/cổ phiếu. Với tổng số hơn 1,4 tỉ cổ phiếu sẽ lên sàn, ước tính tổng vốn hóa của Vietnam Airlines đạt gần 57.000 tỉ đồng, tương đương 2,5 tỉ USD.

Lãnh đạo Vietnam Airlines trong ngày chào sàn HoSE (Ảnh: Vietnam Airlines)
Lãnh đạo Vietnam Airlines trong ngày chào sàn HoSE (Ảnh: Vietnam Airlines)

“Với sự kiện ngày hôm nay, Vietnam Airlines trở thành doanh nghiệp có giá trị vốn hóa lớn nhất niêm yết cổ phiếu trên sàn HoSE từ đầu năm 2019 đến nay”, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phát biểu.

Ông Phạm Ngọc Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietnam Airlines nhấn mạnh: “Việc niêm yết trên sàn HoSE là sự kiện quan trọng giúp Vietnam Airlines nâng cao uy tín, tăng tính minh bạch, chuẩn hóa hoạt động quản trị của doanh nghiệp và tiếp cận các nguồn vốn đầu tư mới. Đồng thời, sự kiện còn là bước tiến cụ thể hóa cam kết của Hội đồng quản trị Tổng công ty trong việc gia tăng tính thanh khoản của cổ phiếu Vietnam Airlines và tối đa hóa giá trị đầu tư cho các cổ đông.”

Trước đây, HVN được giao dịch tại UPCoM - sàn giao dịch dành cho các công ty đại chúng chưa niêm yết, với tiêu chuẩn thấp hơn về việc công bố thông tin. Việc chuyển sàn của Vietnam Airlines là một trong các thương vụ chuyển sàn quy mô lớn nhất trong năm nay của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Thành lập từ năm 1993, Vietnam Airlines tiến hành cổ phần hóa vào năm 2015. Vietnam Airlines hoạt động theo mô hình “dual brand”, tức là kết hợp giữa phân khúc cao cấp và giá rẻ (LCC) bằng việc sở hữu Jetstar Pacific 68,85%. Tiếp quản Jetstar từ năm 2012, đến năm 2018, hãng hàng không này mới bắt đầu có lãi và đạt tổng doanh thu là 9.310 tỉ đồng.

Tính đến cuối năm 2018, Nhà nước vẫn nắm giữ 86,19% cổ phần tại Vietnam Airlines, Tập đoàn Hàng không Nhật Bản ANA Holding Inc (ANA) nắm 8,77%. Trong cuộc phỏng vấn của hãng thông tấn Bloomberg, ông Dương Chí Thành, Tổng giám đốc Vietnam Airlines khẳng định: “Trong vài năm tới, Nhà nước sẽ giảm tỉ lệ nắm giữ từ 86% xuống còn 51% đến năm 2020. Việc giảm tỉ lệ sở hữu thực hiện kết hợp giữa việc Nhà nước bán cổ phần và Vietnam Airlines phát hành thêm cổ phần để bán cho nhà đầu tư chiến lược”.

 

Các nhà đầu tư chờ đến giờ đánh cồng - Ảnh: Từ Hiếu
Các nhà đầu tư chờ đến giờ đánh cồng - Ảnh: Dâng Phạm

Trong buổi lễ chào sàn, ông Minh từ chối tiết lộ danh tính về nhà đầu tư chiến lược, ông cho biết hiện Vietnam Airlines vẫn đang trong quá trình đàm phán.

Mới đây, Vietnam Airlines tuyên bố giành lại vị trí dẫn đầu thị trường hàng không Việt Nam, với 55,3% thị phần, theo công bố trong Báo cáo thường niên 2018 của công ty trong khi Vietjet công bố chiếm 46% thị trường nội địa.

Hồi giữa tháng 2.2019, hàng không Việt Nam đạt chuẩn bay thẳng đến Mỹ. Tuy nhiên, ông Thành cho biết, dự tính phải đến 3-4 năm nữa, sau khi tiếp nhận dòng máy bay phù hợp, công ty mới khai thác đường bay thẳng đến Mỹ. Theo thông tin trong báo cáo thường niên 2018, Vietnam Airlines đặt ra chiến lược đầu tư sẽ dành 50% nguồn vốn đầu tư cho đội tàu bay và 50% cho các lĩnh vực còn lại.

Năm 2018, Vietnam Airlines vận chuyển 21,9 triệu lượt khách. Doanh thu hợp nhất trong năm 2018 của Vietnam Airlines đạt 73.227 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 2.599 tỉ đồng với tổng số lượng máy bay 110 tàu bay.

Kết quả kinh doanh của Vietnam Airlines từ sau khi cổ phần hóa - Nguồn: BCTC Vietnam Airlines
Doanh thu và lợi nhuận của Vietnam Airlines (đơn vị: tỉ đồng) - Nguồn: BCTC Vietnam Airlines

Sau khi thành lập, Vietnam Airlines trở thành đơn vị độc quyền khai thác dịch vụ hàng không tại Việt Nam. Năm 2011, hãng hàng không tư nhân Vietjet gia nhập thị trường với mô hình LCC và vươn lên chiếm hơn 40% thị phần chỉ vài năm sau đó. Mô hình hàng không giá rẻ trên thế giới bùng nổ trong những năm 1990 nhưng mãi đến năm 2011, thị trường hàng không Việt Nam mới thực sự sôi động khi Vietjet chính thức gia nhập và trở thành đối thủ cạnh tranh chính.

Từ sau cú hích của Vietjet, hàng không Việt Nam chứng kiến sự xuất hiện thêm của hãng hàng không tư nhân mới. Năm 2017, tập đoàn chuyên về bất động sản FLC thông báo bước chân vào ngành hàng không với việc thành lập hãng hàng không Bamboo Airways.

Trước sức nóng của ngành hàng không Việt Nam, Vietravel, công ty du lịch lữ hành cũng công bố sẽ tham gia vào cuộc chơi với việc thành lập hãng hàng không đồng thương hiệu chuyên khai thác các chuyến bay trọn chuyến (charter).

Vietnam Airlines dự đoán “thị trường vận tải hàng không tiếp tục tăng trưởng; dự kiến tổng khách thị trường quốc tế tăng trưởng 12%, thị trường nội địa tăng trưởng 16,3% so với cùng kỳ”.

Dâng Phạm

dang.pham
Bạn đang đọc bài viết "Vietnam Airlines chính thức niêm yết trên HoSE " tại chuyên mục Khoa học quản lý.