"Vua tôm" trở lại

thunguyen

30/01/2019 10:05

Trong điều kiện xuất khẩu tôm cả nước năm 2018 đang chững lại, Minh Phú đã có một năm kinh doanh khởi sắc.

Theo ước tính của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), năm 2018, sản lượng xuất khẩu tôm Việt Nam giảm nhẹ 2% so với năm 2017, đạt khoảng 3,8 tỉ đô la Mỹ. Tuy nhiên, với vị thế là công ty đầu ngành, kết quả kinh doanh công ty cổ phần tập đoàn thuỷ sản Minh Phú vẫn tăng trưởng 7,7% về giá trị, đạt 751 triệu đô la Mỹ kim ngạch xuất khẩu, thông tin từ công ty cho biết. Đây là năm thành công nhất của Minh Phú kể từ khi thành lập vào năm 1992.

Nhà máy chế biến tôm Minh Phú (Ảnh: Lê Tiên)
Nhà máy chế biến tôm Minh Phú (Ảnh: Lê Tiên)

Những tháng cuối năm 2018, Minh Phú liên tục đưa ra những quyết định kinh doanh quan trọng: đầu tư nhà máy tôm tẩm bột tại Hậu Giang, đầu tư xây dựng 2 kho lạnh tại Mỹ, thành lập bộ phận nghiên cứu và phát triển tôm giống…

Ông Lê Văn Quang, chủ tịch hội đồng quản trị Minh Phú chia sẻ với chúng tôi về kỹ thuật nuôi tôm hồ nổi mà công ty đã thử nghiệm và đưa vào vận hành, giúp giảm chi phí đầu tư, tăng tỷ lệ sống của tôm. Khác với kỹ thuật nuôi tôm hồ đất hoặc hồ beton truyền thống, kỹ thuật nuôi tôm của Minh Phú không dùng các ao nuôi được đào, mà căng phủ bạt bằng các khung thép, và các ống dẫn nước. Kỹ thuật này giúp công ty chủ động điều chỉnh các yếu tố môi trường thích hợp cho sinh trưởng của con tôm, dễ dàng hơn trong việc thau rửa hồ, kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, tỷ lệ sống của tôm lên tới 95%.

Nhờ hồ nổi thiết kế hình tròn, công ty cố thể vệ sinh hồ nuôi hàng ngày dễ dàng, các vi sinh vật có hại cũng không có cơ hội thâm nhập hồ nuôi nhờ hệ thống bạt chống thấm, hệ thống nước được tuần hoàn tốt, giúp tiết kiệm khoảng 30% điện bơm nước.

Thực ra, nuôi tôm hồ nổi không phải là kỹ thuật quá mới mẻ. Các hộ nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long đã sớm áp dụng kỹ thuật này vài năm trở lại đây. Tuy nhiên để đưa vào vận hành trên diện rộng cần nghiên cứu kỹ càng với những thông số tiêu chuẩn. Với quy mô lớn, bất kỳ sai sót nhỏ nào cũng phải trả giá đắt đỏ.

Ông Quang cũng cho biết công ty đã lắp đặt cảm biến (senser) dùng thuật toán và trí tuệ nhân tạo nhằm giám sát tất cả các chỉ tiêu đảm bảo môi trường sống tốt nhất cho con tôm. “Một senser có thể giám sát tới 54 chỉ tiêu của nước” - ông Quang nói với Nhà Quản Lý.

Để mở rộng mô hình nuôi tôm hồ nổi, Minh Phú đã hợp tác với Nhựa Tiền Phong và Thép Hoà Phát để đảm bảo giá thành tốt nhất cho nguyên vật liệu xây dựng hồ nổi. Lý giải lý do chọn Nhựa Tiền Phong, một doanh nghiệp nhựa phía Bắc, ông Quang cho biết Nhựa Tiền Phong đã có nhà máy sản xuất ở Bình Dương, vì vậy chi phí vận chuyển không phải là vấn đề. Ngoài ra, trong năm công ty nhựa tham gia đấu thầu, Nhựa Tiền Phong đã đánh bại bốn đối thủ còn lại nhờ mức giá và chất lượng tốt nhất.

Kỹ thuật nuôi tôm hồ nổi của Minh Phú có thể áp dụng với cả tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Tuy nhiên, ông Quang cho biết với tôm thẻ chân trắng, kỹ thuật nuôi cho lợi thế nổi trội hơn, hiệu quả hơn. Hiện tại, 75% tôm xuất khẩu của Minh Phú là tôm thẻ chân trắng, còn lại là tôm sú, đạt 25%.

Nhà máy chế biến tôm Minh Phú (Ảnh: Lê Tiên)
Nhà máy chế biến tôm Minh Phú (Ảnh: Lê Tiên)

Mỹ vẫn đang là thị trường chính của công ty, chiếm trên 40% kim ngạch xuất khẩu. Việc xây nhà máy tôm tẩm bột và 2 kho lạnh đều nhằm mục đích phục vụ thị trường lớn nhất này. Sau căng thẳng chiến tranh thương mại Trung - Mỹ, Minh Phú có lợi thế đáng kể trong việc xuất khẩu sang thị trường Mỹ, đặc biệt với sản phẩm tôm tẩm bột, vốn từ trước đến nay vẫn là lợi thế của các doanh nghiệp Trung Quốc nhờ chính sách hoàn thuế 13,5% của nước này.

Theo thống kê của Undercurrentnews, nhu cầu tôm nhập khẩu của Mỹ bắt đầu hồi phục và tăng trưởng từ tháng 8.2018 sau bốn tháng liên tục sụt giảm. Trong tháng 10.2018, Mỹ nhập khẩu 74.700 tấn tôm, tăng 9% so với cùng kỳ. Đây là tháng thứ ba liên tiếp nhu cầu nhập khẩu tôm của Mỹ tăng trưởng. Trong tháng 10, Việt Nam xuất khẩu 8.573 tấn tôm sang Mỹ, tăng 37% so với cùng kỳ - cao hơn hẳn mức tăng nhập khẩu của quốc gia này.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của mức thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm tôm Việt Nam, trong 10 tháng đầu năm 2018, sản lượng tôm xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ chỉ tăng 3%. Việt Nam nằm trong danh sách bốn quốc gia xuất khẩu tôm lớn nhất sang Mỹ, sau Ấn Độ và Indonesia và Ecuador.

10 tháng đầu năm 2018, số liệu từ Minh Phú cho biết doanh xuất khẩu tôm của công ty sang EU đã tăng tới 58% so với cùng kỳ, đạt trên 55 triệu đô la Mỹ. Sau Mỹ và Nhật, EU đang là thị trường lớn thứ ba của vua tôm Minh Phú.

EU mới là thị trường xuất khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam nói chung, chiếm gần 24% kim ngạch. Thời gian tới, khi hiệp định tự do thương mại EU - Việt Nam (EVFTA) được ký kết, các hàng rào thuế quan được dần dỡ bỏ, tôm Việt Nam sẽ càng có nhiều lợi thế, đặc biệt khi so với Thái Lan, quốc gia vẫn đang phải chịu mức thuế 20%, theo VASEP. Ấn Độ và Thái Lan vẫn đang là đối thủ chính của tôm Việt Nam tại thị trường EU.

Với Minh Phú, năm 2019 sẽ tiếp tục là năm công ty đẩy mạnh xuất khẩu sang Mỹ và EU, đồng thời khai phá thêm thị trường Trung Quốc với các loại tôm chế biến nguyên con.

Cách đây ba năm, năm 2015, Minh Phú có kết quả kinh doanh thua lỗ sau một thời gian dài đều đặn đạt hàng trăm tỉ đồng lợi nhuận.

Minh Phú đã hồi phục rất nhanh sau đó. Từ thua lỗ gần 7 tỉ đồng năm 2015, chỉ sau hai năm, Minh Phú đạt lợi nhuận 714 tỉ đồng vào năm 2017. 9 tháng đầu năm 2018, công ty báo lãi 680 tỉ đồng. Là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu tôm hàng đầu thế giới, ngay trong năm khó khăn 2015, doanh thu của Minh Phú vẫn đạt trên 12 nghìn tỉ đồng. Doanh thu của công ty tiếp tục duy trì và cải thiện dần trong những năm tiếp theo, tuy tốc độ tăng không đáng kể.

Kỹ thuật nuôi tôm mới cùng sự quyết liệt của ban lãnh đạo công ty trong việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh được kỳ vọng sẽ sớm mang lại cho Minh Phú những vụ mùa bội thu, củng cố vị trí đứng đầu về xuất khẩu tôm trên toàn thế giới

Hồng Lam

thunguyen
Bạn đang đọc bài viết ""Vua tôm" trở lại" tại chuyên mục Khoa học quản lý.