Xây dựng nhà máy chế biến xu hướng của nông nghiệp hiện đại

thunguyen

30/11/2018 00:33

Trong chuỗi giá trị nông nghiệp, nhà máy có thể mua gần như toàn bộ sản phẩm người nông dân sản xuất ra, với mục đích chế biến và xuất khẩu nguyên trái, đương nhiên với mức giá khác nhau.

Theo tính toán của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong năm 2018 sẽ có khoảng 8 - 9 nhà máy chế biến nông sản khánh thành, riêng tổng đầu tư vào các nhà máy rau củ quả ước trên 5.700 tỷ đồng.

Đầu tư vào các nhà máy chế biến nông sản trở thành một mắt xích giúp nông nghiệp Việt Nam hoàn thiện chuỗi giá trị, chủ động hơn trong sản xuất kinh doanh, đối phó với những rủi ro về thời tiết và giá cả thị trường. Ông Lê Thành, viện trưởng viện kinh tế nông nghiệp hữu cơ cho rằng trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chuỗi giá trị, người nông dân và hợp tác xã nên thay đổi tư duy trước đây là trồng cây gì, nuôi con gì bằng trồng cây gì, nuôi con gì và bán ở đâu. Thị trường tiêu thụ sẽ quyết định sản xuất.

Nằm trong chương trình kêu gọi đầu tư vào tỉnh Tây Ninh, nhà máy chế biến rau quả Tanifood thuộc công ty cổ phần Lavifood đã được khởi công từ giữa năm ngoái, hiện đang lắp ráp máy móc. Dự kiến cuối năm nay Tanifood sẽ cho ra đời mẻ sản phẩm đầu tiên. Với diện tích 14 héc-ta, công suất thiết kế của nhà máy khoảng 150.000 tấn nguyên liệu mỗi năm, tương đương hơn 400 tấn mỗi ngày.

Tây Ninh, tỉnh tiếp giáp biên giới Campuchia là một trong những tỉnh tương đối khó khăn, thu ngân sách năm 2017 chưa đến 6.200 tỉ đồng, trong đó gần 1/4 đến từ công ty xổ số kiến thiết của tỉnh. Không có lợi thế về tài nguyên khoáng sản, nông nghiệp đang là một hướng đi của tỉnh này, với hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, liên kết các nhà kinh doanh với nhà sản xuất và đặc biệt là phát triển các chuỗi giá trị rau quả. Theo kế hoạch, tỉnh này sẽ giảm dần diện tích mía, cao su, mì đồng thời tăng diện tích các loại cây ăn quả, đang được coi là lợi thế của tỉnh có khí hậu nhiệt đới đặc thù.

Nhà máy Lavifood ở Long Tan
Nhà máy Lavifood ở Long Tan

Theo ông Đinh Hùng Dũng, Phó tổng giám đốc Lavifood, nhà máy Tanifood cần khoảng 5.000 héc ta diện tích trồng các loại rau củ quả để đáp ứng được nhu cầu sản xuất. Theo kế hoạch, riêng trong năm 2018, công ty sẽ triển khai trồng 1.100 héc ta, trong đó nhà máy trồng 600 héc ta, còn nông dân trồng 500 héc ta. Dứa và thanh long đang là hai loại cây chủ lực tại huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh, sẽ là hai nguyên liệu đầu tiên mà Tanifood cam kết thu mua từ nông dân. Về lâu dài, Tanifood sẽ mở rộng chế biến đồ hàng bông, bao gồm rau đậu nành, bắp non, bắp ngọt, đậu bắp, bí ngô…

Nguyên liệu cho các nhà máy chế biến trở thành vấn đề sống còn. Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, chủ tịch danh dự hiệp hội thuỷ sản, nguyên thứ trưởng bộ thuỷ sản nhận định với một nhà máy công suất hàng trăm tấn nguyên liệu mỗi ngày, sẽ không bao giờ đủ nguyên liệu để sản xuất, nếu không có vùng nguyên liệu. Trong tổ chức sản xuất, vùng nguyên liệu cần phải làm trước nhà máy, đồng thời cam kết với nông dân về việc mua nguyên liệu.

Mức giá cam kết giữa các nhà máy và nông dân thông thường thấp hơn đáng kể so với mức giá bán trái cây tươi, đặc biệt trong những mùa có giá cả thuận lợi. Cam kết giữa nông dân và nhà máy dễ bị phá vỡ trong điều kiện giá thị trường của các loại nguyên liệu cao hơn hẳn mức giá hai bên đã ký trước đó. Trong những trường hợp này, nhà máy thường phải chịu thiệt khi thiếu nguyên liệu sản xuất. Với những loại trái cây có giá trị cao, Tanifood chọn cam kết mua theo giá thị trường. Khách hàng của sản phẩm thanh long chủ yếu từ Hongkong sẽ cập nhật giá mỗi ngày cho Lavifood.

Vùng trồng dứa
Vùng trồng dứa

Khi chưa đủ diện tích vùng trồng, Tanifood trước mắt sẽ mua nguyên liệu từ nông dân. Việc mua nguyên liệu từ nông dân nhìn chung khá thuận lợi và hiếm khi bị thiếu, ông Dũng cho biết. Tại Long An, nhà máy chế biến của Lavifood vẫn hoạt động tốt từ trước đến nay mà chưa cần đến vùng trồng nguyên liệu của công ty. Tuy nhiên, chủ động vùng trồng là một trong những giải pháp giúp Lavifood ứng phó tốt hơn với những biến động về gía cả thị trường sau này.

Trong chuỗi giá trị nông nghiệp, nhà máy có thể mua gần như toàn bộ sản phẩm người nông dân sản xuất ra, với mục đích chế biến và xuất khẩu nguyên trái, đương nhiên với mức giá khác nhau, ông Dũng khẳng định.

Tuy nhiên, mô hình chuỗi giá trị nông sản mà Lavifood đề xuất không bắt nguồn từ vùng trồng, mà từ nhà máy và thị trường. Ông Dũng cho biết công ty đã có hai năm để nghiên cứu và mở rộng thị trường, đồng thời xây dựng nhà máy. Việc đảm bảo thị trường và đầu tư xây dựng nhà máy đòi hỏi công ty phải bỏ vốn, đảm bảo tính cam kết của doanh nghiệp đối với nông dân. Mô hình này khác với mô hình bắt đầu từ vùng trồng, thông thường giúp doanh nghiệp bán giống, vật tư cho nông dân, nhưng không đảm bảo tính cam kết bao tiêu sản phẩm đầu ra cho họ.

Phần lớn các sản phẩm của Tanifood hướng tới thị trường xuất khẩu. Sản phẩm chế biến sẵn có thị trường rộng hơn rau củ quả tươi, vốn chỉ thuận lợi khi xuất khẩu sang Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Tuy nhiên, điểm yếu của nông nghiệp Việt Nam nói chung, của Lavifood nói riêng là vấn đề thương hiệu.

Nhà máy Lavifood ở Tây Ninh
Nhà máy Lavifood ở Tây Ninh

Đương nhiên những sản phẩm được sản xuất tại Tanifood sẽ được nhận diện bằng nguồn gốc xuất xứ “sản xuất tại nhà máy Tanifood - Việt Nam”, nhưng phần lớn các sản phẩm của công ty đều chưa có thương hiệu riêng. Có nghĩa là Tanifood cũng như các nhà máy khác của Lavifood chủ yếu gia công sản phẩm cho khách hàng nước ngoài, và sản phẩm mang thương hiệu của họ.

Một trái chuối thương hiệu Dole, xuất phát từ trang trại Unifarm (Việt Nam) bán tại cửa hàng tiện lợi Ministop với giá 8 nghìn đồng, cao hơn 1 nghìn đồng trái chuối được dán nhãn Unifarm đặt cùng kệ. Dole là một trong 3 công ty sản xuất chuối lớn nhất thế giới, trong khi Unifarm mới chỉ là một doanh nghiệp trồng chuối của Việt Nam, được Dole lựa chọn là đối tác độc quyền.

Ông Dũng lạc quan về tình hình phát triển nông nghiệp nói chung, cây ăn quả nói riêng tại tỉnh Tây Ninh. Trung Quốc vẫn đang là thị trường mà Lavifood chú trọng, bởi “ai cũng muốn bán hàng cho Trung Quốc, kể cả các nước Châu Âu” - ông Dũng nhận định. Một nền nông nghiệp lành mạnh, theo ông Dũng, phải bắt đầu từ nhà khoa học, họ sẽ đưa ra các loại giống tối ưu, phương pháp chăm sóc đặc thù, hướng dẫn cho người nông dân. Sau đó doanh nghiệp xúc tiến thương mại và nhà nước hỗ trợ về mặt chính sách.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, vai trò của các nhà khoa học trong nông nghiệp còn quá mờ nhạt và chưa có nghiên cứu nào có tính ứng dụng cao. Rủi ro vì vậy được đẩy sang người nông dân và doanh nghiệp trong quá trình mò mẫm tìm phương thức canh tác tối ưu. Lavifood vừa tuyển bốn tiến sĩ về nông nghiệp nhằm hoàn thiện chuỗi sản xuất của mình. Ông Dũng đồng thời tiết lộ công ty đang nghiên cứu giống thanh long mới từ Nam Mỹ bên cạnh thanh long đỏ/tím đặc sản của vùng đất Tây Ninh.

thunguyen