“Xe dù, bến cóc” vẫn hoạt động ở Thủ đô

Nhóm Phóng viên

22/12/2023 19:37

Mặc dù các cơ quan quản lý đã nỗ lực trong việc xử lý các tụ điểm “xe dù, bến cóc” hoạt động, thế nhưng bên cạnh những kết quả đạt được thì hiện nay thực trạng “xe dù, bến cóc” lại diễn ra ngang nhiên hơn.

Đến tháng 10/2023 Thanh tra Sở GTVT Hà Nội đã kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính 442 trường hợp, số tiền xử phạt VPHC hơn 1 tỷ đồng, tạm giữ 02 phương tiện, tước quyền sử dụng GPLX có thời hạn 42 trường hợp.

Bên cạnh sự nỗ lực của cơ quan quản lý trong việc tuyên truyền, nhắc nhở, xử phạt vi phạm hành chính các trường hợp cố tình vi phạm. Hiện nay, trên nhiều tuyến phố tình trạng “xe dù, bến cóc” hoạt động ngang nhiên dưới hình thức văn phòng, xe hợp đồng, xe ghép chuyến...

Biến tướng văn phòng thành “bến xe riêng”

pham-van-dong-1703155207.jpg

 

Theo ghi nhận thực tế của PV Nhà Quản Lý tại tuyến đường Phạm Văn Đồng (quận Cầu Giấy) thường xuyên xuất hiện các xe của nhà xe Trần Anh truyến Hà Tĩnh-Hà Nội- Bắc Giang, nhà xe Quang Dũng tuyến Huế-Hà Nội-Phú Thọ (12 Phạm Văn Đồng); nhà xe Du Tuyết tuyến Yên Bái-Hà Nội (14 Phạm Văn Đồng), dưới danh nghĩa văn phòng các nhà xe này đã biến tướng nơi đây trở thành điểm tập kết hàng hóa, hành khách với các hình thức đúng nghĩa như một “bến xe”.

Ngang ngược hơn vào khung giờ cao điểm 17 giờ hàng ngày loạt xe của nhà xe Quang Dũng vỗ tư xếp hàng nối đuôi nhau trước cửa khu vực 12 Phạm Văn Đồng để đón trả khách và bốc xếp hàng hóa khiến đoạn này càng trở nên ùn tắc hơn khi mà cầu vượt Mai Dịch đang tiến hành thi công mở rộng.

tan-dat-thanh-1703155337.jpg

 

Cũng thuộc địa bàn quận Cầu Giấy 17 giờ chiều hàng ngày tại ngã ba giao cắt đường Hoàng Quốc Việt và Đặng Thùy Trâm nhà xe Tiến Đạt Thành tuyến Hà Nội-Huế cũng biến văn phòng của mình thành “bến xe riêng” khi mà địa điểm này được sử dụng để đón, trả khách, giao, nhận hàng hóa và các dịch vụ liên quan.

nguyen-hoang-1703155409.jpg

 

Tương tự trên tuyến đường Nguyễn Hoàng (quận Nam Từ Liêm) nhà xe Hoàng Linh tuyến Hà Nội-Quảng Bình (98 Nguyễn Hoàng); nhà xe Nhật Tuấn tuyến Hà Nội-Huế; nhà xe Quang Tuyến tuyến Hà Nội-Hà Giang cũng phương thức sử dụng văn phòng để nhận hàng hóa và đón khách, đúng giờ đã định, hàng ngày các nhà xe này vô tư dừng đỗ đón trả khách và bốc xếp hàng hóa bất chấp tuyến phố Nguyễn Hoàng cấm xe khách hoạt động và cấm dừng đỗ xe.

Đặc biệt tại 89 Nguyễn Hoàng, nhà xe Hoàng Linh thường xuyên chiếm dụng vỉa hè để tập kết hàng hóa cũng như hành khách đợi xe gây cẩn trở giao thông và mất mỹ quan đô thị.

Bỏ bến chạy “dù”

Mặc dù được Sở GTVT Bắc Giang cấp phù hiệu xe chạy tuyến cố định từ BX Cầu Gồ - ĐT 292 - QL1A - Cầu Thanh Trì - Yên Sở - Đường trên cao vành đai 3 – Đường nguyễn Xiển – Đường Nguyễn Xiển – Đường Khuất Duy Tiến - Đường Lê Văn Lương kéo dài - Đường Lê Trọng Tấn - QL6 - BX Yên Nghĩa và ngược lại. Tuy nhiên, xe khách mang BKS: 98F 014.49 của HTX giao thông vận tải Yên Thế (nhà xe Công Dung) lại bỏ bến chạy “dù” ngang nhiên di chuyển qua Cầu Thăng Long rồi di chuyển tới Cầu vượt Mai Dịch ngang nhiên đón trả khách dọc tuyến đường Phạm Hùng băng qua BX Mỹ Đình rồi đến trước cổng làng Đình Thôn quay đầu và tiếp tục đón trả khách cho đến cổng trường ĐH Ngoại Ngữ trên đường Phạm Văn Đồng khi đã “đủ khách và hàng” nhà xe này mới di chuyển về “cố hương”.

Một người dân cho biết, xe này chạy cố định ở đây mà, sáng xuống đến cầu vượt Mai Dịch khoảng 11 giờ, đón trả khách dọc đường rồi đến đỗ ở cổng làng Đình Thôn tới 11 giờ 50 thì xuất phát về Cầu Gồ. Chiều cũng như vậy đến cầu vượt Mai Dịch khoảng 17 giờ 40 đón trả khách rồi tới đỗ ở cổng làng Đình Thôn. Tầm 18 giờ về  lại Cầu Gồ. Chú đi, thì cứ đứng đây, xe sắp tới rồi, yên tâm ngày 2 lượt đi và về, nhiều người đi mà. Người phụ nữ cho biết.

cd-bg-1703155205.jpg

 

Tương tự, xe mang BKS: 98F – 014.04 của HTX giao thông vận tải Yên Thế (nhà xe Công Dung) chạy tuyến Yên Nghĩa - Hiệp Hoà (Bắc Giang) cũng “bỏ bến” chạy “dù”. Sau nhiều ngày ghi nhận, xe này cũng có hành trình tương tự xe của HTX giao thông vận tải Yên Thế. Sáng bắt đầu di chuyển từ Đình Thôn qua bến xe Mỹ Đình đến khoảng 8h40 dừng đón khách tại khu vực cổng ĐH Ngoại Ngữ. Chiều từ Hiệp Hoà đến khu vực công trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch khoảng 13 giờ 35 tiếp tục di chuyển qua BX Mỹ Đình đến cổng làng Đình Thôn quay xe di chuyển tiếp trên đường Phạm Hùng băng qua cầu vượt Mai Dịch đến khoảng 14 giờ 45 dừng đón khách và hàng hóa ở khu vực cổng ĐH Ngoại Ngữ.

Dẹp chỗ này “chạy” sang chỗ khác

Sau nhiều nỗ lực xử lý dứt điểm các tụ điểm “xe dù, bến cóc”, điển hình như tụ điểm trên đường Trần Vỹ (quận Cầu Giấy).

Trước đó, vào tối 24/8, Đội Thanh tra Giao thông Vận tải quận Cầu Giấy cùng với Đội Cảnh sát giao thông trật tự Công an quận Cầu Giấy, Công an phường Mai Dịch đã tiến hành kiểm tra, xử lý sai phạm của các nhà xe cũng trên tuyến đường này.

Theo ghi nhận, lực lượng chức năng đã xử phạt vi phạm của xe khách DN với số tiền 4.000.000 đồng với lỗi đỗ xe không đúng nơi quy định và niêm yết không đầy đủ; xe khách Phú Quý mang BKS: 38B-004.90 số tiền hơn 13 triệu đồng với lỗi chạy sai hành trình và đón trả khách không đúng nơi quy định.

Được biết, không chỉ trên tuyến đường Trần Vỹ mà Đội Thanh tra Giao thông Vận tải quận Cầu Giấy còn thường xuyên lên phương án phối hợp xử lý phương tiện dừng đỗ, lập bến bốc đón, trả khách gây mất TTATGT trên toàn địa bàn quận.

20231207-202235-1703155529.jpg

 

Sau khi bị xử phạt tưởng chừng các nhà xe này xe rút kinh nghiệm khắc phục những vi phạm đi vào hoạt động theo đúng quy định pháp luật, nhưng không nhà xe Phú Qúy tiếp tục thuê một địa điểm trong tuyến đường thuộc ngõ 136 Hồ Tùng Mậu để làm văn phòng.

Vẫn các hình thức như đã nêu, nhà xe này sử dụng văn phòng của mình để đón trả khách, nhận, trả hàng hóa. Chung văn phòng với nhà xe Phú Qúy là nhà xe Mạnh Chiến thể hiện rõ việc các nhà xe nêu trên có hành động “cố tình lách luật” khi chỉ dịch chuyển từ vị trí này sang vị trí khác chứ không hề sửa lỗi sau khi bị xử phạt.

Ngày 14/11, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã ban hành Kế hoạch số 12882/KH – BGTVT về tổ chức kiểm tra hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Theo đó, Bộ GTVT thành lập 4 đoàn kiểm tra công tác quản lý nhà nước của Sở GTVT, Sở GTVT - Xây dựng đối với hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Được biết, mục đích của đợt kiểm tra lần này là nhằm phát hiện bất cập trong các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô để sửa đổi, bổ sung hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền biện pháp khắc phục, hoàn thiện thể chế để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông và kiềm chế tai nạn giao thông đường bộ do phương tiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô gây ra; đánh giá việc chấp hành quy định pháp luật của các chủ thể trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Các đoàn kiểm tra còn có nhiệm vụ phòng ngừa, phát hiện, chấn chỉnh và xử lý tồn tại, vi phạm (nếu có); hướng dẫn các đơn vị được kiểm tra thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Nhóm Phóng viên