Học bằng tình huống

truongtrivinh

24/04/2019 10:50

Wealthfront trở thành đề bài hóc búa cho 12 sinh viên Việt Nam tại vòng thi cuối cùng cuộc thi giải quyết tình huống kinh doanh diễn ra tại khách sạn Novotel (TP.HCM) đầu tháng 4

Trong cuộc chiến giữa con người và máy móc, giữa cảm xúc và thuật toán, giữa danh tiếng và sự minh bạch, một cung cấp ứng dụng robot trong tư vấn đầu tư và quản lý tài sản như Weathfront phải làm gì?

Nhóm sinh viên đến từ đại học RMIT TP.HCM nghe câu hỏi từ ban giám khảo (Ảnh: Bảo Zoãn/Nhà Quản Lý)
Nhóm sinh viên đến từ đại học RMIT TP.HCM nghe câu hỏi từ ban giám khảo (Ảnh: Bảo Zoãn/Nhà Quản Lý)

Theo bốn sinh viên đến từ đại học Ngoại thương Hà Nội, câu trả lời có thể là chiến lược kéo và đẩy khách hàng (engage và enhance), thông qua một gói giải pháp bao gồm: tăng cường nhận diện thương hiệu, khuyến khích người dùng thử miễn phí, cung cấp dịch vụ tiết kiệm và các dịch vụ lên kế hoạch tài chính cá nhân.

Ban giám khảo hỏi phản biện sinh viên (Ảnh: Bảo Zoãn)
Ban giám khảo hỏi phản biện sinh viên (Ảnh: Bảo Zoãn)

Nhóm sinh viên từ đại học Ngoại thương TP.HCM lại có hướng tiếp cận khác về chiến thắng trong ngắn hạn và dài hạn. Xuất phát từ phân tích hành vi người dùng kỹ càng, hai tư vấn chiến lược mà nhóm sinh viên này đưa ra cho Wealthfront đó là thu hút khách hàng trong ngắn hạn và hợp tác với các ngân hàng truyền thống trong dài hạn.

Xuất phát từ hình dung toàn diện về cuộc chiến giữa cũ và mới, giữa fintech và tư vấn quản lý tài sản truyền thống, bốn sinh viên của đại học RMIT TP.HCM đã xác định ra hai vấn đề then chốt mà mô hình fintech hiện tại của Wealthfront đang vấp phải, đó là chi phí thu hút khách hàng quá cao và thiếu sự khác biệt hoá so với các sản phẩm tồn tại từ lâu trên thị trường.

Để giải quyết hai vấn đề này, nhóm sinh viên đến từ RMIT TP.HCM lần lượt đề xuất hai chiến lược tương ứng: danh mục đầu tư mở rộng (portfolio+) và vườn ươm (incubator). Trong đó, chiến lược vườn ươm được ban giám khảo đánh giá là thực sự khác biệt so với mô hình kinh doanh hiện tại.

Với sự mới mẻ trong ý tưởng và lối thuyết trình trình tự dễ hiểu, đại học RMIT TP.HCM đã trở thành quán quân cuộc thi giải quyết tình huống kinh doanh năm 2019, do ngân hàng HSBC Việt Nam tổ chức. Đây là cuộc thi giải quyết tình huống kinh doanh lớn nhất thế giới cho sinh viên bậc đại học, lần đầu ra mắt năm 2008.

Phương pháp giảng dạy bằng tình huống kinh doanh lần đầu được sử dụng tại trường đại học Kinh doanh Harvard trong những năm 1920. Phương pháp này hiện được ứng dụng tại nhiều trường kinh doanh trên thế giới nhằm thu hẹp khoảng cách giữa ý thuyết và thực hành. Tình huống kinh doanh là những vấn đề mà các giám đốc doanh nghiệp phải đối diện trong thực tế, HSBC Việt Nam giải thích thêm về phương pháp trên, qua một thông cáo báo chí.

Tổng giám đốc HSBC Việt Nam, Phạm Hồng Hải, một trong sáu giám khảo trong phần hỏi đáp của vòng chung kết cuộc thi giải quyết tình huống kinh doanh năm 2019 (Ảnh: Bảo Zoãn/Nhà Quản Lý)
Tổng giám đốc HSBC Việt Nam, Phạm Hồng Hải, một trong sáu giám khảo trong phần hỏi đáp của vòng chung kết cuộc thi giải quyết tình huống kinh doanh năm 2019 (Ảnh: Bảo Zoãn/Nhà Quản Lý)

Khảo sát gần đây do HKU thực hiện cho thấy, tất cả các sinh viên tham gia đều khẳng định phương pháp học từ tình huống có tác động tích cực trong phát triển khả năng: làm việc nhóm; giao tiếp hiệu quả hơn; phân biệt những yếu tố liên quan và không liên quan; phân tích những vấn đề có thông tin không được cấu trúc chặt chẽ; đưa ra những giải pháp hợp lý và thuyết phục.

Tổng giám đốc HSBC Việt Nam, Phạm Hồng Hải nhắn nhủ các bạn sinh viên: “Hãy tiếp tục học hỏi, tiếp tục tiến về phía trước và hỗ trợ lẫn nhau”. Để đi đến kết luận này, ông Phạm Hồng Hải giải thích mục tiêu của cuộc này không phải chuyện thắng thua, mà nằm ở chỗ cần liên tục học hỏi. “Tôi chắc rằng các bạn có thể học được rất nhiều lý thuyết ở trường, nhưng chìa khoá ở đây là làm thế nào để thực hành, làm việc nhóm và áp dụng nhóm kỹ năng đó”.

Nhiều người nói rằng mỗi người Việt Nam đều như một viên kim cương, nhưng những viên kim cương đó không thể kết nối với nhau. Nhưng người Trung Quốc thì giống như đất sét, luôn hoà quyện vào nhau, tổng giám đốc người Việt đầu tiên tại ngân hàng nước ngoài chia sẻ.

Minh Tâm

truongtrivinh
Bạn đang đọc bài viết "Học bằng tình huống" tại chuyên mục Khoa học quản lý.