Kỷ nguyên của châu Á sắp bắt đầu

truongtrivinh

24/04/2019 11:19

Châu lục này từng là niềm mơ ước của châu Âu vào thế kỷ 17 và thế giới đang chuẩn bị quay hết một vòng tròn của nó

Lần đầu tiên kể từ thế kỷ 19, nền kinh tế của các nước châu Á, như Unctad chỉ ra, sẽ lớn hơn phần còn lại của thế giới vào năm 2020.

Các nhà kinh tế học, khoa học chính trị và các chuyên gia thị trường đã nói hàng thập kỷ gần đây về sự trở lại của Kỷ nguyên châu Á. Điều này được cho là sẽ đánh dấu một bước ngoặt khi lục địa này trở thành trung tâm mới của thế giới.

Hơn một nửa dân số thế giới tập trung ở châu Á. Trong số 30 thành phố lớn nhất thế giới có 21 thành phố thuộc châu Á, theo dữ liệu của Liên Hiệp Quốc. Năm tới, châu Á cũng sẽ tập trung hơn một nửa tầng lớp trung lưu thế giới - những người được định nghĩa là sống trong các hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người mỗi ngày từ 10 đến 100 đô la Mĩ (dựa trên phương pháp sức mua tương đương năm 2005).

Từ 2007, người châu Á mua nhiều xe hơi và xe tải hơn bất kỳ người dân ở khu vực nào; và ước tính đến năm 2030, họ sẽ mua xe cộ nhiều bằng cả phần còn lại của thế giới gộp lại, theo LMC Automotive.

 

Các nhà lãnh đạo trong khu vực đang bắt đầu nói về sự chuyển đổi này một cách cởi mở hơn. Thủ tướng Ấn Độ, Narendra Modi, nói trong cuộc họp thường niên của Ngân hàng đầu tư hạ tầng châu Á rằng: “Châu Á đã thấy chính mình là trung tâm của hoạt động kinh tế toàn cầu. Lục địa này đã trở thành động lực tăng trưởng chính của thế giới. Trên thực tế, chúng ta đang sống qua thời đại mà nhiều người gọi là Kỷ nguyên Châu Á.”

Vậy khi nào Kỷ nguyên châu Á thực sự bắt đầu?

Lần đầu tiên kể từ thế kỷ 19, nền kinh tế của các nước châu Á, như Unctad (Hội nghị Liên Hiệp Quốc về thương mại và phát triển) chỉ ra, sẽ lớn hơn phần còn lại của thế giới gộp lại vào năm 2020. Các con số đã cho thấy: Kỷ nguyên châu Á sẽ bắt đầu vào năm tới.

Trong quá khứ, châu Á chỉ đóng góp hơn một phần ba sản lượng thế giới vào năm 2000.

Để tính toán, tờ Financial Times xem xét lại số liệu của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dựa vào tổng sản phẩm quốc nội sau khi điều chỉnh sự khác biệt về giá ở các nước khác nhau. Phương pháp đo lường các nền kinh tế bằng PPP (ngang bằng sức mua), được công nhận rộng rãi là phương pháp đo lường thích hợp nhất, vì nó tính toán dựa trên việc so sánh xem cùng một lượng tiền, người ta có thể thực sự mua được những gì ở các nước đang phát triển, nơi mà giá cả thường thấp hơn so với các nước giàu có.

Ngay cả giá trị trao đổi thị trường, châu Á vẫn chiếm đến 38% của thế giới, tăng lên so với 26% vào những năm 2000.

Điều gì tạo nên sự trỗi dậy của châu Á? Sự phát triển của Trung Quốc và Ấn Độ có thể giải thích được phần lớn xu hướng này. Trung Quốc hiện là nền kinh tế lớn hơn Mỹ (tính theo phương pháp ngang bằng sức mua), chiếm đến 19% sản lượng toàn thế giới năm nay, tăng hơn gấp đôi so với con số 7% năm 2000. Ấn Độ là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới hiện nay, với GDP (tổng sản phẩm quốc nội) khoảng gấp đôi quy mô của Đức hay Nhật Bản, hai nền kinh tế này đều có quy mô lớn hơn Ấn Độ vào năm 2000 (tính theo phương pháp ngang bằng sức mua).

 

Kỷ nguyên châu Á đang đến gần không chỉ bởi hai nền kinh tế lớn nhất của châu lục này, mà còn nhờ sự tăng trưởng của các nước nhỏ và vừa.

Indonesia đang trên hành trình trở thành nền kinh tế lớn thứ bảy thế giới vào năm 2020 (tính theo phương pháp ngang bằng sức mua), và sẽ qua mặt Nga vào năm 2023 với ngôi vị thứ sáu.

Việt Nam, một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á, đã vượt mặt qua 17 quốc gia trong bảng xếp hạng kinh tế (tính theo phương pháp ngang bằng sức mua) kể từ năm 2000, kể cả Bỉ và Thuỵ Sỹ. Philippines hiện có nền kinh tế lớn hơn cả Hà Lan, trong khi Bangladesh cũng vượt qua 13 nền kinh tế khác trong vòng 20 năm qua.

Sự trỗi dậy của châu Á với khởi đầu từ sự phát triển thần kỳ của Nhật Bản sau chiến tranh, đã thể hiện vòng tuần hoàn của lịch sử. Châu Á thống trị nền kinh tế thế giới trong hầu hết lịch sử loài người cho đến thế kỷ 19.

“Vào cuối thế kỷ 17, châu Âu đã từng ngưỡng mộ và ghen tỵ đối với một châu lục nơi mà tập trung hơn 2/3 tổng sản phẩm thế giới, và 3/4 dân số thế giới,” Andrea Colli, giáo sư về lịch sử kinh tế tại đại học Bocconi, Italy cho hay.

Theo các chính trị gia Ấn Độ và tác giả Shashi Tharoor, trong thế kỷ 18, Ấn Độ đóng góp vào nền kinh tế thế giới tương đương với cả châu Âu.

Vào 3 thế kỷ sau đó, vị thế của châu Á đã bị lung lay khi châu Âu cất cánh nhờ cuộc Cách mạng Khoa học, tiếp sau đó là cuộc cách mạng Khai sáng và cách mạng Công nghiệp.

Giáo sư Joel Mokyr của đại học Northwestern nói rằng: “Những gì bạn nhìn thấy là một cuộc lội ngược dòng vĩ đại, trong khoảng thời gian từ năm 1500 – 1750, châu Âu thay đổi ngoạn mục, còn phần còn lại của thế giới thì không như vậy.”

 

Đến thập niên 1950, châu Á đóng góp chưa tới 20% tổng sản phẩm toàn cầu, trong khi chiếm đến hơn một nửa dân số thế giới.

“Trong thế kỷ XIX, châu Á đã chuyển đổi từ trung tâm sản xuất của thế giới thành các nền kinh tế kém phát triển tập trung vào xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp,” Bob Allen, giáo sư lịch sử kinh tế tại trường Đại học New York ở Abu Dhabi và là cựu giáo sư của Đại học Oxford, cho biết.

Nhưng trong vài thập kỷ trở lại đây, xu hướng này đã đảo ngược.

Sự tăng trưởng thần kỳ của Nhật Bản và Hàn Quốc, những quốc gia đầu tiên của châu Á bắt kịp phương Tây, đã trở nên nhỏ bé bởi sự cất cánh của Trung Quốc nhờ chính sách đổi mới kinh tế theo định hướng thị trường được dẫn dắt bởi nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình vào cuối những năm 1970.

Chỉ trong vài thế hệ, “một sự thành công được kết hợp bởi hội nhập kinh tế quốc tế thông qua thương mại và đầu tư trực tiếp nước ngoài, tỷ lệ tiết kiệm cao, đầu tư mạnh vào nguồn nhân lực và nguồn vốn, và chính sách vĩ mô hợp lý” đã tạo ra một bước nhảy vượt bậc cho nền kinh tế toàn châu Á, theo một báo cáo mới nhất về khu vực của nhóm nghiên cứu do Koshy Mathai dẫn đầu.

Kishore Mahbubani trong cuốn sách mới nhất “Has the West lost it?” (Phương Tây phải chăng đã thất bại?) viết rằng: “Thời kỳ hai thế kỷ của phương Tây với vai trò động lực phát triển của thế giới đã đến hồi kết.”

Trong năm thập kỷ qua, hàng trăm triệu người châu Á đã thoát khỏi đói nghèo và nhiều nền kinh tế châu Á đã đạt hàng các nước có thu nhập trung bình hoặc phát triển, theo Ngân hàng thế giới.

Châu Á vẫn còn nghèo hơn phần còn lại của thế giới, nhưng khoảng cách đó đang thu hẹp dần. Thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc (tính theo phương pháp ngang bằng sức mua) vẫn mới chỉ đạt một phần ba của Mỹ, và khoảng 44% so với châu Âu. Con số đó của Ấn Độ thậm chí chỉ bằng 20% của châu Âu, theo dữ liệu của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF).

Nhưng khoảng cách giữa thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc và Ấn Độ so với Mỹ và châu Âu đã được rút ngắn ngoạn mục kể từ năm 2000. Trong thời gian qua, Trung Quốc đã giàu có hơn năm lần so với sản lượng bình quân đầu người của khu vực châu Phi Hạ Sahara. Hai khu vực này cùng mức thu nhập với nhau vào giữa thập kỷ 1990.

Dù tính toán bằng cách nào đi nữa, châu Á đang trở lại vị trí trung tâm của sân khấu kinh tế toàn cầu. Khi thời khắc đó đến, “thế giới sẽ quay đúng một vòng tròn”, như giáo sư Allen nói.

Financial Times

truongtrivinh
Bạn đang đọc bài viết "Kỷ nguyên của châu Á sắp bắt đầu" tại chuyên mục Khoa học quản lý.