Lạm phát có phải là vấn đề đáng quan ngại nhất trong năm 2023?

Thuỳ Linh

20/02/2023 13:09

Dựa trên các phân tích về tình hình kinh tế thời gian qua, chuyên gia kinh tế Phạm Thế Anh nhận định, lạm phát không phải vấn đề đáng quan ngại nhất của Việt Nam trong năm 2023 mà vấn đề đáng lo hơn là sự suy giảm tăng trưởng…

lam-phat-1-1676866931.png
Ảnh minh họa

Lạm phát năm 2023 ở Việt Nam đã qua đỉnh

Chia sẻ tại Toạ đàm "Điểm sáng đầu tư năm 2023" diễn ra mới đây, PGS.TS Phạm Thế Anh, chuyên gia Kinh tế vĩ mô, Giảng viên Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, lạm phát không phải vấn đề đáng quan ngại nhất của Việt Nam trong năm 2023 mà vấn đề đáng lo hơn là suy giảm tăng trưởng.

Chuyên gia cho biết, nếu so sánh tỉ lệ lạm phát so với các nước lớn trên thế giới thì Việt Nam đang ở vùng lạm phát tương đối thấp, có thể chấp nhận được. Cụ thể, năm qua, tỉ lệ lạm phát của Việt Nam vào khoảng 3,15%, trong khi đó các nước phát triển như Mỹ hay Châu Âu có những thời điểm mức lạm phát lên gần 2 con số. 

lam-phat-2-1676866931.png
PGS.TS Phạm Thế Anh, chuyên gia Kinh tế vĩ mô, Giảng viên Đại học Kinh tế Quốc dân

Tuy nhiên, năm nay, vấn đề lạm phát sẽ có sự chuyển dịch từ các khu vực có nền kinh tế tiên tiến sang các nước đang phát triển. 

Số liệu cho thấy lạm phát năm 2022 tăng dần qua từng quý và đến tháng 1/2023, lạm phát lên đến đỉnh điểm, đạt mức 4,89% yoy (year over year - tăng trưởng qua từng năm). Điều này làm dấy lên quan ngại về việc lạm phát có tiếp tục gia tăng hay không trong năm 2023 và kéo theo đó là động thái về chính sách tiền tệ cần phải thận trọng trong việc kiểm soát lạm phát. 

lam-phat-3-1676866931.png
Mức độ lạm phát ở một số quốc gia

Theo nhận định của chuyên gia Phạm Thế Anh, nếu tính yoy, tháng 1/2023 sẽ là đỉnh lạm phát của Việt Nam. Từ tháng 2 trở đi, mức lạm phát sẽ giảm dần và trong khoảng 2,3 tháng tới, mức lạm phát có thể giảm xuống còn 3 – 3,5%.

Lí giải cho nhận định trên, chuyên gia Phạm Thế Anh cho biết đến từ nhiều nguyên nhân.

Thứ nhất, sức cầu tiêu dùng của Việt Nam đang khá yếu. Điều này là do sự sụt giảm thu nhập, khiến tăng trưởng kinh tế chậm lại, chi tiêu giảm. Bên cạnh đó, thị trường tài sản của Việt Nam đang có sự giảm giá mạnh, vốn hóa của thị trường bất động sản, cổ phiếu, trái phiếu cũng sụt giảm mạnh trong thời gian qua.

Thứ hai, với mặt bằng lãi suất ở mức cao như hiện nay làm chi phí cơ hội của tiêu dùng trở nên đắt đỏ hơn, người dân sẽ có xu hướng tiết kiệm hơn và điều này làm ảnh hưởng đến sức cầu.

Thứ ba, về tăng trưởng tiền tệ, trong năm qua, Việt Nam có tăng trưởng cung tiền rất thấp chỉ dưới 4%. Trong khi những năm trước đó, tăng trưởng cung tiền lên tới 14-15%, hoặc như năm 2021 cũng phải gần 11%. Vì vậy, yếu tố tiền tệ gây ra lạm phát sẽ giảm rất nhiều trong năm 2023.

Và cuối cùng, tỷ giá đang tương đối ổn định, với chênh lệch lãi suất trong nước và quốc tế hiện nay. Ngoài ra, giá nguyên vật liệu cơ bản trên thế giới đã vượt qua đỉnh và bắt đầu hạ nhiệt.

Từ những nguyên nhân trên, chuyên gia Phạm Thế Anh cho biết, ngay cả khi trong năm 2023 sẽ có một số yếu tố làm tăng lạm phát như việc tăng giá điện, giá thực phẩm,... thì xu hướng cầu tiêu dùng yếu cũng làm giảm mức tăng của lạm phát. 
“Lạm phát trong năm 2023 không phải vấn đề lớn, nguy cơ suy thoái nhiều hơn…”, chuyên gia Phạm Thế Anh nhận định.

Lãi suất sẽ có xu hướng giảm

Chuyên gia kinh tế Phạm Thế Anh cho biết, lạm phát kéo theo lãi suất và tỷ giá. Lãi suất của Việt Nam căn cứ vào 2 yếu tố là lạm phát và lãi suất điều hành của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới, đặc biệt là Ngân hàng Trung ương Mỹ. Với lạm phát, như đã phân tích ở trên, không còn đáng lo ngại.

Còn về phía Mỹ đã qua đỉnh lạm phát, giờ chỉ là vấn đề giảm nhanh hay giảm chậm. Mức lãi suất điều hành chính sách của Mỹ hiện đã lên tới 4,75%, tương đối cao nên đến khoảng giữa năm nay, tháng 5, lạm phát yoy của Mỹ khoảng 3,5%. Do vậy, khả năng tăng tiếp lãi suất của Mỹ rất thấp. Trong kịch bản xấu, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể tăng lãi suất lần nữa vào tháng 3 năm nay và mức tăng sẽ chỉ khoảng 0,25%.

“Có thể thấy, các sức ép làm cho lãi suất của Việt Nam tăng tiếp còn rất thấp. Do vậy, lãi suất ở Việt Nam đang ở mức đỉnh và sẽ có xu hướng đi xuống. Tuy nhiên, việc giảm nhanh hay chậm và giảm bao nhiêu thì còn phụ thuộc vào quan điểm của nhà điều hành chính sách. Nếu thận trọng, họ có thể quan sát tình hình lạm phát Việt Nam ở thời điểm rõ ràng hơn, cụ thể là vào tháng 2 - 3 năm nay hoặc đợi tín hiệu rõ ràng hơn từ việc dừng tăng lãi suất của FED vào tháng 5 năm nay. Tuy nhiên, nếu lạc quan hơn có thể làm việc đó sớm hơn”, chuyên gia nhận định.

Đối với vấn đề tỷ giá, chênh lệch lãi suất tỉ giá giữa Việt Nam và Mỹ tương đối lớn. Nếu so với lãi suất các nước khác, lãi suất của Việt Nam cao hơn rất nhiều, trong khi đó đồng Việt Nam lại mất giá từ đầu năm 2022 đến nay. Theo ông Thế Anh, với mức lãi suất như vậy, đồng Việt Nam đang khá hấp dẫn nên khả năng mất giá rất ít.

Ngoài ra, năm nay mặc dù dự báo triển vọng kinh tế xấu đi, xuất khẩu có thể suy giảm, tuy nhiên Việt Nam vẫn có thể duy trì thặng dư cán cân thương mại bởi vì bản chất Việt Nam là quốc gia xuất khẩu và nhập khẩu nhiều. 

Khi nền kinh tế trong nước tăng trưởng chậm lại, tiêu dùng hàng ngoại nhập giảm rất nhanh. Những năm Việt Nam gặp khó về kinh tế, duy trì thặng dư thương mại dễ hơn cả những năm tăng trưởng cao. Do vậy thâm hụt thương mại không ảnh hưởng nhiều đến tỷ giá.

Bên cạnh đó, lãi suất thực của Việt Nam hiện nay vẫn cao hơn nhiều nước trên thế giới. Theo Chuyên gia kinh tế Phạm Thế Anh, đây sẽ là những điểm thuận lợi cho việc Việt Nam có thể hạ lãi suất trong thời gian tới để hỗ trợ nền kinh tế.

Thuỳ Linh