Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam tổ chức tọa đàm đóng góp ý kiến cho dự thảo Khuyến nghị về Khoa học mở của UNESCO.

HT

27/03/2022 21:37

toa-dam-unesco-1663252630.jpg
 

Buổi tọa đàm do PGS.TS Phạm Quang Thao – Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) làm chủ tọa, được tổ chức ngày 29/6/2021 tại Hà Nội. Trong khuôn khổ tọa đàm, rất nhiều chuyên gia, cán bộ, chuyên viên nghiên cứu của VUSTA đã tham gia góp ý về Khuyến nghị Khoa học mở của UNESCO.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, PGS.TS Phạm Quang Thao nhận định, Khoa học mở đã manh nha phát triển từ lâu, nhưng trong thời đại công nghệ số 4.0 hiện nay là thời cơ thuận lợi để Khoa học mở có thể phát triển và phát huy hết vai trò của mình. Tuy nhiên, để làm được điều đó chúng ta cần phải làm rõ định nghĩa “khoa học mở” bao gồm những thành tố nào…, qua đó xác định được quyền lợi và trách nhiệm của các nước khi đồng ý tham gia Khuyến nghị về Khoa học mở của UNESCO sắp tới và một Công ước về Khoa học mở trong tương lai không xa.

Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam Nguyễn Hữu Giới cho rằng, để Khoa học mở có thể phát triển ở Việt Nam, chúng ta cần tháo gỡ các vướng mắc về vấn đề pháp lý. Ngoài các bộ luật về Sở hữu trí tuệ, bản quyền thì hiện Việt Nam còn là thành viên của các Công ước quốc tế về bảo hộ quyền tác giả, sở hữu trí tuệ. Nên chúng ta cần “cởi trói” để khuyến khích các nhà khoa học, doanh nghiệp… tham gia đóng góp vào nền tảng "big data", qua đó có nền dữ liệu chung về khoa học công nghệ phục vụ chính các nhà khoa học, doanh nghiệp, người dân mỗi khi có nhu cầu tìm kiếm.

TSKH Nghiêm Vũ Khải, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, người từng tham gia công tác quản lý nhiều năm, khẳng định, Khoa học mở không phải là vấn đề mới mẻ. Sự phát triển của Khoa học mở ở Việt Nam đã được Nhà nước, các cơ quan quản lý quan tâm từ rất sớm thông qua các bộ luật như Phổ biến kiến thức, khoa học công nghệ, luật phổ cập khoa học công nghệ… Nhưng để Khoa học mở thực sự đi vào đời sống thì chúng ta cần các chiến lược ngắn hạn cũng như dài hạn.

PGS.TS Phạm Quang Thao cho rằng, khuyến nghị Khoa học mở không chỉ là cơ hội cho Bộ khoa học Công nghệ khẳng định vai trò tiếng nói của mình trong thời điểm kinh tế hóa, số hóa hiện nay mà còn là cơ hội cho cả VUSTA khẳng định vai trò, vị trí của mình khi VUSTA là tổ chức Hội tập trung đông đảo các nhà khoa học, trong đó có rất nhiều nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực nghiên cứu sáng tạo của mình.

 

 

HT