"Người khổng lồ" mới nổi trong thương mại thực phẩm toàn cầu

tamvu

15/02/2019 14:00

COFCO International ra đời bốn năm trước đang thách thức ABCD - nhóm bốn công ty nông phẩm lớn nhất thế giới: ADM, Bunge, Cargill và Louis Dreyfus.

Họ đều được thành lập từ hơn một thế kỷ trước. Lịch sử là lợi thế của họ: mạng lưới độc đáo bao gồm kho, cảng, tàu thuyền và mối quan hệ với nông dân được xây dựng qua nhiều thập kỷ, khiến họ trở thành những nhà trung gian không thể thiếu. Nhưng một công ty mới ra đời ở Trung Quốc đang đe dọa sẽ ngáng đường. COFCO International (CIL), chi nhánh giao dịch nước ngoài của tập đoàn dầu khí và thực phẩm quốc doanh của Trung Quốc, muốn “trở thành một doanh nghiệp nông nghiệp toàn cầu thực thụ” Chi Jingtao, chủ tịch công ty, cho biết. Công ty mới thành lập được bốn năm.

Mục tiêu của ông Chi không chỉ mang tính thương mại mà còn mang tính chiến lược. Trung Quốc không có đủ đất canh tác để nuôi sống 1,4 tỉ dân. Khi tầng lớp trung lưu đang gia tăng tiêu thụ nhiều thịt hơn, khoảng cách đó càng tệ đi, do thức ăn chăn nuôi chủ yếu được làm từ ngũ cốc. Một giải pháp từ chính phủ là mua đất nông nghiệp ở nước ngoài. Các công ty Trung Quốc đã làm điều đó tại hơn 30 quốc gia – chẳng hạn Trung Quốc là chủ sở hữu đất nông nghiệp nước ngoài lớn nhất tại Úc. Nhưng chính phủ sớm nhận ra rằng lệnh cấm xuất khẩu có thể khiến việc mua lại của họ trở nên vô ích, và các nước chủ nhà đã thắt chặt các quy tắc về đầu tư nước ngoài.

50% doanh thu của CIL đến từ thị trường Trung Quốc, vì vậy Sönke Lorenz, chuyên gia tư vấn của BCG cho rằng mục tiêu chính của CIL vẫn là
Gần một nửa doanh thu của CIL đến từ thị trường Trung Quốc, vì vậy Sönke Lorenz, chuyên gia tư vấn của BCG cho rằng, mục tiêu chính của CIL chính là "cho rồng ăn" - Ảnh: The Economist

Thay vào đó, lãnh đạo Trung Quốc đang tìm cách thiết lập vị thế trong lĩnh vực kinh doanh thực phẩm toàn cầu bằng cách xây dựng một công ty lớn mạnh của riêng mình, CIL, thành lập năm 2014 như một nhánh của tập đoàn nhà nước COFCO Group. Cũng trong năm đó, Trung Quốc từ bỏ mục tiêu xã hội là tự cung đậu nành, cho thấy quốc gia này sắp phải dựa vào các nhà cung cấp toàn cầu đối với một số mặt hàng chủ lực. Nhiệm vụ chính của CIL là giúp Trung Quốc thu mua cây trồng từ nông dân nước ngoài. COFCO làm việc đó với tư cách là nhà nhập khẩu thực phẩm toàn cầu chính của Trung Quốc. Nhưng quản lý thị trường trong nước mới là trọng tâm của COFCO, trong khi phạm vi của CIL là toàn cầu. Lợi nhuận cũng sinh ra từ việc thu khoản chênh từ nhập khẩu thực phẩm tăng gấp 12 lần kể từ năm 2000, lên 117 tỉ USD năm 2017.

Những bước đi đầu tiên của CIL không thuận lợi. Công ty này bắt đầu bằng việc mua lại Nidera của Hà Lan và Noble Agri có trụ sở tại Hong Kong, hai công ty có sức ảnh hưởng mạnh ở Nam Mỹ, với giá thấp. Sau đó, CIL thất bại trong việc hợp nhất chúng và hai công ty hạ giá lẫn nhau. Sau đó, một khoản giao dịch thất thoát trái phép trị giá 200 triệu USD bị phát hiện liên quan đến nhiên liệu sinh học của Nidera, tiếp đến là khoản lỗ 150 triệu USD trong bảng kế toán của khu vực Mỹ Latinh. Jonathan Kingsman, chuyên gia về hàng hóa và cựu nhân viên của Cargill cho biết, các đối thủ “thấy tức cười” khi lính mới Trung Quốc thật khờ khạo.

Nhưng giờ thì không còn ai cười. CIL kiếm được 34 tỉ USD doanh thu, bằng bốn phần năm của Louis Dreyfus, công ty nhỏ nhất trong nhóm bốn công ty nông phẩm lớn nhất thế giới ABCD (ba công ty còn lại là Archer Daniels Midland, Bunge và Cargill). CIL vận chuyển 105 triệu tấn ngũ cốc, hạt có dầu và đường mỗi năm, một khối lượng gần bằng toàn bộ sản lượng đậu nành của Mỹ. CIL muốn làm được nhiều hơn là nền tảng thu mua của Trung Quốc. Trung Quốc hiện chiếm gần một nửa doanh số bán hàng của CIL.

CIL đang bán hàng cho hơn 50 quốc gia, tập trung tại châu Âu, Biển Đen và Mỹ Latinh. Giống như nhóm ABCD, CIL đầu tư vào kho chứa lớn, tuyến giao thông liên kết và cơ sở chế biến. CIL là nhà xuất khẩu đậu nành lớn thứ tư ở Brazil. Châu Mỹ Latinh vẫn là khu vực quan trọng nhất để tìm nguồn thu mua, nhưng công ty này cũng đang tạo ra các tuyến xuất khẩu từ Bắc Mỹ và Biển Đen.

Cạn kiệt ngũ cốc

Tốc độ lội ngược dòng của CIL gây ngạc nhiên. Trong nửa đầu năm 2018, CIL được cho là lỗ 122 triệu USD vì đặt cược sai vào thị trường nông nghiệp. Công ty cũng trải qua những đợt cắt giảm nhân sự đau đớn và ngừng hoạt động trong thời gian dài tại một cảng chính và nhà máy chế biến. Tuy nhiên, “công ty này có lẽ đang hoạt động tốt hơn nhiều nhìn từ ngoài vào”,

Sönke Lorenz, chuyên gia tư vấn của BCG, cho biết. Chiến tranh thương mại ngày càng thuyết phục Trung Quốc về vai trò quan trọng của buôn bán hàng hoá. Tháng bảy năm ngoái, Trung Quốc phản ứng với mức thuế Mỹ áp lên hàng hóa của mình bằng cách đánh thuế cao đối với đậu nành Mỹ, khiến chúng trở nên quá đắt đỏ. Điều này buộc Trung Quốc phải tìm nguồn mới cho một phần ba trong số 40 tỉ USD nhu cầu hàng năm, tương đương tổng cộng 33 triệu tấn hoặc gấp bốn lần so với lượng tiêu thụ của cả khu vực Đông Nam Á. CIL giải quyết việc này chủ yếu bằng cách tìm nhà cung cấp mới ở Brazil.

Chủ tịch Chi tuyên bố rằng năm 2019 sẽ là một năm bản lề. Năm 2017 sau khi hợp nhất Noble và Nidera, CIL đã phải đối phó với các vấn đề về vận hành từ các vụ sáp nhập, thất bại từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và hạn hán nghiêm trọng ở Argentina. Nhưng cuối cùng, công ty vẫn ở vị thế “tăng trưởng và phát triển”, vị chủ tịch khẳng định. Ông lưu ý rằng CIL “lần đầu tiên trong lịch sử” đã có lời vào năm ngoái (không tiết lộ con số). Công ty sẽ đầu tư tìm nguồn cung ứng ngũ cốc trực tiếp từ các vựa lương thực của thế giới, bao gồm Nga, Argentina và Bắc Mỹ, và sẽ tìm kiếm khách hàng mới ở châu Âu, Trung Đông và Đông Nam Á, bao gồm các đơn vị nhà nước như công ty buôn bán địa phương và hãng chế biến thực phẩm. Theo như ông Chi tóm lược, chiến lược của CIL là “thúc đẩy sự hiện diện mạnh mẽ của chúng tôi ở Trung Quốc để phát triển ra toàn cầu”.

Nhân tố đầu tiên đã xuất hiện. Vào tháng 12.2018, công ty bổ nhiệm Dong Wei, nhân viên có thâm niên 25 năm của Tập đoàn COFCO, làm giám đốc điều hành. Dong là một chuyên gia trong buôn bán và chế biến đậu nành – rất phù hợp với CIL. “Sự xuất hiện của ông ấy sẽ tạo điều kiện cho sự hợp nhất của doanh nghiệp trong nước và quốc tế”.

Điều khiến các đối thủ lớn của CIL lo ngại là các nỗ lực của công này nhằm chiếm lĩnh lối tiếp cận vào thị trường tiêu thụ ngũ cốc rộng lớn của Trung Quốc – vì cả lý do chiến lược và kinh doanh – có thể tạo tác dụng phụ là cô lập họ. Hiện tại, họ có mối quan hệ trực tiếp quý giá với Tập đoàn COFCO và với các nhà sản xuất thực phẩm khác của Trung Quốc. “CIL có thể không tránh khỏi trở thành một bên trung gian”, Jean-François Lambert, nhà tư vấn và cựu giám đốc tài chính hàng hóa tại ngân hàng HSBC, nhận định.

ECONOMIST

Nhóm ABCD có thể yên tâm rằng vị thế của họ vẫn còn mạnh mẽ. Tại các thị trường quan trọng, như Mỹ và Nga, phần lớn cơ sở hạ tầng được sử dụng để lưu trữ, chế biến và vận chuyển ngũ cốc thuộc về các công ty lâu đời. “Rất khó để trở thành một công ty thuộc nhóm ABCD nếu không mua lại một công ty thuộc nhóm ABCD”, Jay O'Neil từ Đại học bang Kansas cho biết. Điều đó có thể đúng trong ngắn hạn. Hai thành viên của nhóm là công ty tư nhân, và ADM, công ty lớn nhất trong số hai công ty đã niêm yết, lớn gần gấp đôi CIL, vì vậy sẽ rất khó để nuốt chửng họ. Bunge, công ty Mỹ yếu nhất trong nhóm, có thể là mục tiêu tốt, nhưng Ủy ban Đầu tư nước ngoài Hoa Kỳ có thể sẽ ngăn chặn sự thu mua từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, CIL có thể tìm cách hình thành liên minh với các công ty khác để thâm nhập vào các thị trường nhất định. Lambert cũng cho rằng công ty này có thể tìm cách mua một phần của Louis Dreyfus.

CIL cũng phải đấu tranh với thực tế là việc tham gia vào thị trường buôn bán hàng hóa số lượng lớn diễn ra khi hoạt động này khó có thể sinh lời. Số hóa và cạnh tranh đã đánh tụt lợi nhuận. Các nhà buôn khôn ngoan nhất đang chuyển sang các sản phẩm giá trị gia tăng: Cargill kiếm phần lớn tiền từ việc sản xuất thức ăn chăn nuôi và đạm; ADM bước chân vào lĩnh vực thực phẩm nguyên liệu. “Tại thời điểm này, chúng tôi có những ưu tiên khác”, Valmor Schaer, giám đốc tại Brazil của CIL, cho biết.

Điều đó làm nổi lên một vấn đề nan giải cho công ty này. Mục tiêu chính của CIL vẫn là “cho rồng ăn” theo cách nói của Lorenz, vì vậy công ty có thể sẵn sàng chấp nhận lợi nhuận thấp hơn nhiều so với các công ty cùng ngành. Nếu tình thế trở nên khó khăn, CIL cũng có thể tìm đến chính phủ để có được nguồn vốn dự phòng giá rẻ, một số nguồn tin nội bộ cho hay.

Nhưng công ty hoàn toàn không thể coi thường kết quả tài chính. Trong khi các công ty nhà nước sở hữu phần lớn CIL, các cổ đông thiểu số bao gồm Temasek của Singapore, chi nhánh đầu tư tư nhân của Ngân hàng Thế giới và Standard Chartered. Những đơn vị này mua cổ phần vào năm 2014, khi CIL mua Nidera và tất cả đều kỳ vọng lợi nhuận tốt. Áp lực này sẽ không giảm đi. Ông Chi cho biết CIL có thể sẽ huy động thêm vốn để mở rộng: “Niêm yết là hướng đi CIL sẽ nhắm đến”. Dù đó là quyết định phụ thuộc vào các cổ đông, nhưng một thương vụ IPO sẽ đòi hỏi thẩm định kỹ lưỡng hơn kết quả kinh doanh của công ty.

Cuộc chơi của CIL có thể dài hơn. Buôn bán là cuộc chiến thông tin: thông tin vượt trội về sản xuất, giá cả, hàng tồn kho và năng lực vận chuyển toàn cầu là những yếu tố quyết định cho việc sinh lời của các nhà buôn. Những người chơi biết điều này. Năm 2017, Cargill đã đầu tư vào một công ty khởi nghiệp dùng phân tích hình ảnh vệ tinh để dự báo năng suất cây trồng. Khi CIL thắt chặt hơn thị trường thực phẩm của Trung Quốc lớn nhất thế giới, lợi thế của công ty này có thể không gì sánh bằng. “Tất cả mọi thứ bắt đầu và kết thúc với nhu cầu của Trung Quốc”, một cựu giám đốc thuộc nhóm ABCD cho biết. “Hiểu được những gì người mua nội địa lớn nhất đang làm và bạn sẽ làm chủ cuộc chơi”.

Theo The Economist

tamvu