Nhiều ý kiến, tâm tư của các nhà khoa học trước kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV

Lê Hồng

03/10/2023 08:02

Ngày 2/10 tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội hoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) phối hợp với Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) tổ chức hội nghị lấy ý kiến trí thức khoa học và công nghệ trước kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

tm-img-alt

Hội nghị do Chủ tịch LHHVN Phan Xuân Dũng; Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh; Phó Chủ nhiệm UB KH,CN& MT của Quốc hội Nguyễn Tuấn Anh đồng chủ trì

Hội nghị có sự tham dự của đại diện lãnh đạo một số cơ quan của Quốc hội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Dân vận Trung ương…cùng các nhà khoa học, trí thức đến từ LHHVN.

Phát biểu khai mạc hội nghị, đại biểu Quốc hội khóa XV, Chủ tịch LHHVN Phan Xuân Dũng cho biết: Hội nghị nhằm lấy ý kiến của trí thức khoa học và công nghệ đóng góp ý kiến, kiến nghị gửi đến Đảng, Nhà nước và Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội nguyện vọng, tâm tư của trí thức khoa học và công nghệ đồng thời đề xuất những vấn đề trọng yếu của đất nước.

Đây là lần đầu tiên LHHVN tổ chức hội nghị quy mô với nội dung toàn diện về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước được các đồng chí lãnh đạo Trung ương, Quốc hội, các ngành ủng hộ, các nhà khoa học nhiệt tình tham gia. Sau hội nghị này, LHHVN sẽ tiếp tục tổng hợp ý kiến thảo luận của các nhà khoa học để gửi đến Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam” – Chủ tịch Phan Xuân Dũng nhấn mạnh.

tm-img-alt

Đại biểu Quốc hội khóa XV, Chủ tịch LHHVN TSKH Phan Xuân Dũng phát biểu tại hội nghị

Với nội dung của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội sẽ xem xét và thảo luận trên 40 nội dung quan trọng của đất nước trong lĩnh vực xây dựng pháp luật, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Chủ tịch Phan Xuân Dũng đã đề nghị các nhà khoa học tập trung góp ý vào các vấn đề lớn như:

Thứ nhất, về giải pháp về cơ chế chính sách để phát triển kinh tế - xã hội đất nước một cách nhanh và bền vững, phát triển khoa học và công nghệ giáo dục và đào tạo, xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu mới rất cao của đất nước và Dân tộc.

Thứ hai, phân tích sâu sắc những vấn đề tồn tại, hạn chế trong cơ chế, chính sách đối với hoạt động khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, tập hợp, đoàn kết đội ngũ trí thức từ những vấn đề, nội dung, quy định, văn bản chính sách cụ thể… để làm cơ sở cho Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan chức năng nghiên cứu, tiếp thu, sửa đổi.

Thứ ba, đề xuất, kiến nghị tâm tư, nguyện vọng của trí thức khoa học và công nghệ với Đảng và Nhà nước về xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức hiện nay và trong tương lai để ngang tầm với yêu cầu nhiêm vụ mới như khát vọng lớn lao của một dân tộc Việt Nam trí tuệ, anh hùng.

tm-img-alt

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cho biết: Hội nghị hết sức có ý nghĩa và thiết thực, từ tháng 3/2023 (trước kỳ họp thứ 5) và tháng 8/2023 (trước kỳ họp thứ 6) chúng tôi đã ban hành kế hoạch tổng hợp ý kiến của các cử tri, nhân dân cả nước thông qua báo cáo của Mặt trận tại 63 tỉnh, thành phố, ý kiến của Đoàn Đại biểu Quốc hội tại các địa phương cũng như tham vấn ý kiến từ các Bộ, ngành, Chính phủ… Dự thảo Báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với 3 phần, trong đó phần 2 với 11 nội dung được tổng hợp từ ý kiến cử tri và nhân dân cả nước và Báo cáo này sẽ được trình bày trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong cuộc họp dự kiến được tổ chức vào tuần thứ 2 của tháng 10/2023.

Các ý kiến của các nhà khoa học LHHVN là các kênh quan trọng giúp Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổng hợp được nhiều ý kiến mang tầm vĩ mô, thể hiện sự tổng hợp những mong muốn, kiến nghị của nhân dân cả nước, trong đó có đội ngũ trí thức KHCN, bà Trương Thị Ngọc Ánh nhấn mạnh.

tm-img-alt

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Ngân sách Quốc hội khóa XI, Chủ tịch Hiệp hội Kế toán, Kiểm toán Việt Nam PGS.TS Đặng Văn Thanh phát biểu

Đánh giá về tình hình kinh tế-xã hội, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Ngân sách Quốc hội khóa XI, Chủ tịch Hội Kế toán, Kiểm toán Việt Nam Đặng Văn Thanh cho biết, trong thời gian qua, các chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế, chất lượng tăng trưởng và năng suất lao động của nước ta đã có cải thiện nhưng Quốc hội, Chính phủ vẫn cần quan tâm nhiều hơn nữa, có chính sách, giải pháp mạnh mẽ hơn để phát triển KH&CN, chuyển giao công nghệ và sử dụng đội ngũ trí thức KH&CN.

Ông Đặng Văn Thanh đánh giá, việc áp dụng chính sách tài khóa nới lỏng, dành 35% tổng chi ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển là đúng đắn, tạo tiềm lực cho đất nước trong thời gian tới. Tuy nhiên, tiến độ giải ngân, tốc độ triển khai còn chậm, đòi hỏi các biện pháp thúc đẩy giải ngân đầu tư công, giải ngân các khoản vốn vay kịp thời hơn.

Trong đó, cần kiểm tra chặt chẽ và tạo điều kiện thuận lợi từ khâu chuẩn bị dự án, chuẩn bị đầu tư và từng công đoạn trong quá trình đầu tư, quá trình thực hiện dự án, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc về giải quyết đất, cát đắp nền, lựa chọn phương án đầu tư, công nghệ xây dựng, thực thi quy chế đấu thầu và chọn thầu, mua sắm vật thư thiết bị… "Cần tính đến và kịp thời có biện pháp xử lý những trường hợp đặc thù", ông Đặng Văn Thanh nói.

Ông Đặng Văn Thanh cũng đề xuất Quốc hội, Chính phủ có chính sách và giải pháp ổn định để nâng cao chất lượng thị trường tài chính, tạo lòng tin của các nhà đầu tư, tạo cơ hội để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Một số chính sách thuế và quản lý thuế đối với hoạt động KH&CN đã không còn phù hợp, do đó, Quốc hội cần sớm đưa vào chương trình xây dựng Luật...

tm-img-alt

Nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam TS Nguyễn Quân phát biểu

Còn nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam Nguyễn Quân đề xuất, cần ban hành Luật về hội nghề nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển xã hội. Tăng cường kiểm tra, giám sát để các nghị định, thông tư, chính sách đã ban hành được thực hiện nghiêm túc nhất, đầy đủ nhất.

Đối với đội ngũ trí thức, ông Nguyễn Quân cho rằng, hiện nay, các địa phương, bộ ngành đã có một số chính sách "rải thảm đỏ", mời trí thức về làm việc, tuy nhiên, vẫn có tình trạng chưa sẵn sàng giao việc.

Do đó, lãnh đạo các bộ ngành, địa phương cần tin tưởng, lắng nghe, giao việc cho trí thức; tạo điều kiện làm việc tốt nhất cho trí thức; có chế độ thu nhập thỏa đáng để trí thức yên tâm làm việc, cống hiến trí tuệ của mình xây dựng đất nước.

Theo Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam Nguyễn Quân, nếu các trí thức, nhà khoa học không được tự chủ, không được tự quyết làm việc gì, sử dụng kinh phí ngân sách như thế nào, tuyển dụng, hợp tác ra sao thì các chính sách trọng dụng nhân tài, trí thức sẽ không phát huy được hiệu quả.

tm-img-alt

Nguyên Phó Chủ nhiệm UB GD TTN NĐ của Quốc hội Đỗ Viết Chức phát biểu

Cũng tại hội nghị nhiều ý kiến của các trí thức khoa học và công nghệ đã được đưa ra, trong đó các vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm: Chính sách ưu đãi, hỗ trợ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khoa học công nghệ, thu hút lực lượng trí thức khoa học công nghệ, các vấn đề vướng mắc liên quan đến cơ chế tài chính cho phát triển khoa học, công nghệ cũng như cho doanh nghiệp, đặc biệt là về chính sách thuế, hoàn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập; dự thảo về Luật Đất đai sửa đổi…

Lê Hồng