Sai phạm trong công tác quản lý, doanh nghiệp cổ phần hoá Vinasport gây thất thoát hàng chục tỷ đồng

Mai Phương

02/03/2023 09:46

Ngày 27/02, Thanh tra Chính phủ đã có Thông báo kết luận thanh tra số 634/TB-TTCP về việc chấp hành các quy định của pháp luật tại Công ty Cổ phần Thể dục Thể thao Việt Nam theo nội dung chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái. Qua thanh tra, phát hiện doanh nghiệp này có hàng loạt sai phạm trong công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước, gây hậu quả thất thoát ngân sách hàng chục tỷ đồng.

Công ty Cổ phần Thể dục Thể thao Việt Nam (Vinasport) là doanh nghiệp Nhà nước, được cổ phần hoá theo Quyết định số 1218/QĐ/UBTDTT ngày 11/7/2006 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Thể dục Thể thao về việc phê duyệt phương án và chuyển Công ty Thể dục Thể thao Việt Nam thành Công ty Cổ phần nay trực thuộc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTT&DL). Tổng vốn điều lệ của Vinasport là 12,5 tỷ trong đó Nhà nước nắm giữ 51,32%. 

sai-pham-vinasport-1677665198.jpg
Hàng loạt sai phạm nghiêm trọng trong công tác quản lý tại Vinasport được Thanh tra Chính phủ chỉ ra.

Sai phạm ngay từ khâu tổ chức bộ máy quản lý, lãnh đạo doanh nghiệp  

Theo Thanh tra Chính phủ, việc cử, miễn nhiệm Người đại diện tại Vinasport đã không đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn về năng lực, trình độ phù hợp với yêu cầu của vị trí được ủy quyền; quyết định cử Người đại diện không thể hiện đầy đủ các nội dung theo quy định, dẫn đến tình trạng đơn thư, khiếu nại vượt cấp kéo dài.

Đặc biệt, việc cử lại ông Nguyễn Ngọc Thạch làm đại diện phần vốn nhà nước tại Vinasport là cố ý làm trái quy định của nhà nước, khiến cho tình hình doanh nghiệp bất ổn trong thời gian dài, mất đoàn kết nội bộ, hiệu quả kinh doanh thấp, kéo theo việc mất vốn của Nhà nước.

Trước đó, Người đại diện phần vốn nhà nước tại Vinasport là ông Bùi Duy Nghĩa – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc, nắm giữ 30% cổ phần. Tuy nhiên, vào tháng 9/2015, cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã tống đạt các quyết định khởi tố vụ án hình sự, khám xét và ra lệnh bắt tạm giam đối với ông Nghĩa về hành vi “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. Được biết, trong quá trình điều hành Vinasport, ông Nghĩa đã lấy danh nghĩa công ty tham gia các dự án bất động sản, dẫn đến hàng loạt sai phạm. 

bi-cao-bui-duy-nghia-1677665198.jpg
Bị cáo Bùi Duy Nghĩa – Nguyên Chủ tịch HĐQT Vinasport tại phiên toà sơ thẩm ngày 28/11/2018.

Để thay thế vị trí của ông Bùi Duy Nghĩa tại Vinasport, Bộ VHTT&DL đã bổ nhiệm ông Nguyễn Ngọc Thạch làm Người đại diện 31,32% vốn nhà nước và giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT. Đến ngày 11/11/2016, Bộ VHTT&DL ban hành các quyết định: miễn nhiệm Người đại diện 31,32% phần vốn nhà nước tại với ông Nguyễn Ngọc Thạch - Chủ tịch HĐQT; tạm giao cho ông Đoàn Viết Thắng - làm người đại diện số vốn này và phụ trách chung công ty; tạm giao ông Lê Hồng Nam nắm giữ 20% vốn điều lệ Nhà nước tại Vinasport. 

Tuy nhiên, vào tháng 10/2017,  trong thời gian chưa đầy 01 năm, Bộ VHTT&DL lại quyết định cho ông Nguyễn Ngọc Thạch quay lại làm Người đại diện phần vốn nhà nước. Như vậy, căn cứ theo khoản 3, Điều 20, Nghị định số 106/2015/NĐ-CP ngày 23/10/2015 của Chính phủ, việc bổ nhiệm, miễn nhiệm trong thời gian trên của Bộ VHTT&DL là cố ý làm trái quy định.

Thêm vào đó, năm 2019, Ban cán sự Đảng Bộ VHTT&DL đã có 02 Nghị quyết  về miễn nhiệm, kỷ luật đối với 02 Người đại diện của Vinasport là ông Nguyễn Ngọc Thạch và ông Lê Hồng Nam. Thế nhưng, từ thời điểm đó đến thời điểm thanh tra (tháng 12/2021), hai Người đại diện vẫn chưa bị miễn nhiệm, ông Thạch vẫn đang làm Chủ tịch HĐQT Vinasport. 

Trong quá trình hoạt động, Vinasport cũng không tổ chức họp định kỳ Đại hội đồng cổ đông, họp định kỳ HĐQT; Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2017 – 2022 chưa được bầu; Chủ tịch HĐQT chưa xây dựng ban hành Chương trình, kế hoạch hoạt động của HĐQT; Người đại diện nhiệm kỳ 2017 – 2022 không hoàn thành nhiệm vụ, không thực hiện Báo cáo giám sát tài chính quý, thực hiện không đầy đủ Báo cáo giám sát tài chính năm.

Thất thoát hàng chục tỷ đồng do sai phạm trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản

Theo kết luận thanh tra cho thấy, việc chuyển doanh nghiệp nhà nước sang công ty cổ phần đối với Vinasport đã được thực hiện vào năm 2006, từ khi còn trực thuộc Uỷ ban Thể dục Thể thao. Tuy nhiên, Uỷ ban Thể dục thể thao vẫn chưa thực hiện việc kiểm tra, xác định lại giá trị phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp. 

Đến thời điểm thanh tra, Bộ VHTT&DL vẫn chưa quyết toán giá trị doanh nghiệp phần vốn nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển sang công ty cổ phần; quyết toán chi phí cổ phần hóa. Vinasport chưa thực hiện việc nộp tiền thu từ cổ phần hóa về Ngân sách Nhà nước; chưa thực hiện nộp số tiền cổ tức phải trả cho Nhà nước hơn 2 tỷ đồng. 

cong-ty-cp-the-duc-the-thao-viet-nam-1677665198.png
Khu đất của Vinasport tại 181 Nguyễn Huy Tưởng

Mặt khác, tại Vinasport tồn tại việc bàn giao hồ sơ, chứng từ, giải trình số liệu của người quản lý cũ cho người kế nhiệm không được thực hiện. Hồ sơ lưu trữ sổ kế toán chi tiết các năm từ 2007 - 2017 không đầy đủ; không xác định được tính chính xác của số dư đầu kỳ từ 01/01/2017; không có đủ hồ sơ kế toán liên quan đến số dư của một số khoản mục; không có cơ sở đối chiếu với đánh giá khả năng thu hồi công nợ.

Cụ thể, khoản huy động vốn 5,64 tỷ đồng của các cá nhân Xí nghiệp sản xuất dụng cụ TDTT (giai đoạn 2008 - 2010) do ông Trần Văn Chương phụ trách không có các hồ sơ, tài liệu lưu trữ. Theo thanh tra, việc huy động vốn của xí nghiệp được thực hiện mà không xin ý kiến của HĐQT là vi phạm Điều lệ và Quy chế tài chính của Vinasport.

Tại kết luận cũng chỉ ra, Vinasport đã xuất đạn trái pháp luật cho Trung tâm huấn luyện TDTT Vĩnh Phúc khi không có hợp đồng. Việc này dẫn đến không có khả năng thu hồi số tiền bị thất thoát hơn 1,4 tỷ đồng.

Vinasport còn chuyển trước 150.000 EUR cho hãng ASIA khi chưa có kết quả trúng thầu, đây là việc làm tùy tiện, có ý làm trái quy định của Nhà nước. Hiện nay không có khả năng thu hồi khoản tiền này, làm mất vốn của Vinasport. 

Ngoài ra, còn một số khoản công nợ không có khả năng thu hồi khác được nhắc đến là: khoản tiền gần 4,9 tỷ dồng do mua bán phôi thép với Công ty TNHH Xây dựng An Việt Úc; khoản tiền 1 tỷ đồng do chuyển tiền cho Công ty Nam Đô để trả một phần tiền hợp đồng ngày 20/7/2012 khi nhận chuyển nhượng 6.000 m2 đất tại khu công nghiệp; các khoản tạm ứng cá nhân của 21 người với tổng số tiền gần 3 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ xác định khoản tiền hơn 1,6 tỷ đồng đang treo trên tài khoản 138 (phải thu khác) tại sổ sách kế toán của Vinasport từ năm 2008 – 2017 là do kế toán công ty đã hạch toán sai. Bởi lẽ, Công ty Động lực đã thanh toán đầy đủ tiền lương theo cam kết cho nhân viên của Vinasport theo đúng hợp đồng và hợp đồng đã được hai bên ký thanh lý.

Nhiều vi phạm về quản lý và sử dụng nhà, đất gây lãng phí tài nguyên 

Theo kết luận, năm 2006, khi cổ phần hoá, Vinasport đã không có phương án quản lý, sử dụng các cơ sở nhà đất, việc bàn giao doanh nghiệp nhà nước sang công ty cổ phần chưa được thực hiện. 

Vinasport đã hợp tác cùng Tập đoàn Intracom chuyển đổi khu đất ở Cầu Diễn, Từ Liêm, Hà Nội nhưng không báo cáo về tổng mức đầu tư, năng lực thực hiện, nhân lực, vốn góp dự án. Tuy nhiên, đơn vị chủ quản lúc đó của Vinasport là Uỷ ban Thể dục Thể thao Việt Nam vẫn chấp thuận.  

intracom-cau-dien-1677665198.jpg
Khu văn phòng, nhà ở kết hợp dịch vụ công cộng của Tập đoàn Intracom tại Cầu Diễn.

Với các hợp đồng đầu tư tại khu đất 181 Nguyễn Huy Tưởng, Vinasport ký hợp tác với Công ty Megastar nhưng không tổ chức đàm phán. Nhiều nội dung trong hợp đồng không phù hợp với nội dung của hồ sơ mời thầu dẫn đến dự án không thực hiện theo cam kết. Việc này khiến không thể chấm dứt hợp đồng và dự án đến nay chưa được triển khai. Do quá trình hợp tác đầu tư không thực hiện được, một số tài sản đã bị phá dỡ năm 2015 gây thiệt hại tài sản Nhà nước số tiền gần 7,5 tỷ đồng. 

Cũng tại khu đất 181 Nguyễn Huy Tưởng, Vinasport còn ký hợp đồng với Công ty HBI thuê lại mặt bằng nên bị cơ quan thanh tra đánh giá là sử dụng đất sai mục đích. Giá cho thuê cũng thấp hơn giá phải nộp cho cơ quan thuế với diện tích đất sử dụng sai mục đích là hơn 2,7 tỷ đồng.

Đối với cơ sở nhà đất tại Đống Đa Vinasport được giao khi cổ phần hoá, trong đó một phần nhà đất đang chưa rõ về hồ sơ pháp lý, phần diện tích còn lại được doanh nghiệp cho thuê nhưng đến nay vẫn chưa thu hồi được để quản lý, sử dụng. Đồng thời, doanh nghiệp cũng chưa đăng ký quyền sử dụng đất, kê khai đăng ký đất đai, thực hiện nghĩa vụ tài chính đất đối với cơ sở này. 
Thêm nữa, Vinasport còn thuộc đối tượng sử dụng đất thu tiền thuê đất tại số 18 Lý Văn Phức nhưng trong suốt quá trình được giao quản lý, sử dụng, doanh nghiệp không nộp hồ sơ khai thuế cho cơ quan thuế. 

Thanh tra Chính phủ kiến nghị chuyển 7 nội dung sai phạm của Vinasport đến Bộ Công an 

Sau khi chỉ ra các sai phạm, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo BộVHTT&DL kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tập thể lãnh đạo Bộ qua từng thời kỳ (giai đoạn từ 2007 - 2021); đề nghị kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và kiện toàn Người đại diện phần vốn nhà nước tại Vinasport. Chủ trì và phối hợp với các cơ quan có chức năng, giao Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp và các đơn vị liên quan thuộc bộ, xây dựng phương án bàn giao nguyên trạng vốn Nhà nước tại Vinasport sang Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Đối với Vinasport, yêu cầu tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường để kiện toàn HĐQT, Ban kiểm soát, Người đại diện theo pháp luật; chấn chỉnh công tác quản lý, sử dụng đất đai, tài sản; rà soát các quy định hiện hành để sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty, Quy chế quản lý tài chính, Quy chế quản lý và sử dụng lao động; nộp đầy đủ các khoản thuế còn nợ Ngân sách Nhà nước; giải quyết dứt điểm các tồn tại về lao động và sử dụng lao động…

Đặc biệt, Vinasport có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công an trong việc thu hồi những khoản tiền thất thoát liên quan tới 07 vụ việc, bao gồm: (1). Xuất đạn cho Trung tâm huấn luyện TDTT Vĩnh Phúc trái pháp luật, xuất khống không có hợp đồng. (2). Trả trước số tiền 150.000 EUR cho hãng ASIA khi chưa có kết quả trúng thầu. (3). Các khoản huy động vốn tại Xí nghiệp sản xuất dụng cụ TDTT (giai đoạn 2008 - 2010). (4). Khoản chi chuyển tiền cho Công ty Nam Đô số tiền 1 tỷ đồng. (5). Các thông tin liên quan đến hợp đồng cho thuê mặt bằng, nhà xưởng trái quy định đối với Hợp đồng với Công ty HBI. (6). Việc phá dỡ tài sản là nhà xưởng tại số 181 Nguyễn Huy Tưởng để hợp tác đầu tư nhưng không được thực hiện. (7). Việc mua bán phôi thép với Công ty TNHH An Việt Úc.

Lãnh đạo Vinasport mua bán trái pháp luật Công ty Cao Huân

Trong thời gian từ ngày 31/12/2014 - 7/5/2015, ông Bùi Duy Nghĩa – Nguyên Chủ tịch HĐQT Vinasport đã tự ý chỉ đạo chuyển tổng số tiền 15,4 tỷ đồng thông qua 04 ủy nhiệm chi cho ông Nguyễn Cao Hởi – Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Cao Huân (Công ty Cao Huân) để nhận chuyển nhượng lại phần vốn góp tại công ty này. Do Công ty Cao Huân sở hữu hơn 8.000m2 đất nhà xưởng sản xuất tại Cụm Công nghiệp huyện Thanh Oai.

Tuy nhiên, chủ sở hữu đứng tên phần vốn góp vào Công ty Cao Huân trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp không phải là Vinasport, mà mang tên 03 cá nhân, gồm: Bùi Duy Nghĩa, Trịnh Quốc Toàn – Nguyên Phó Tổng Giám đốc Vinasport và Nguyễn Văn Hiền – Giám đốc Công ty TNHH Thể thao Bách Hiền. Trong đó, Nguyễn Văn Hiền không phải là người của Vinasport mà chỉ được Bùi Duy Nghĩa nhờ đứng tên hộ một phần vốn góp tại Công ty Cao Huân.

Với cách thức mua bán như trên, có thể hiểu, tài sản được mua là Công ty Cao Huân không phải là tài sản của Vinasport mà thuộc sở hữu của 03 cá nhân. Do vậy, ngày 25/9/2015, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt giam ông Bùi Duy Nghĩa để điều tra tội danh “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản” và Trịnh Quốc Toàn bị điều tra về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Kết luận điều tra của Cơ quan Cảnh sát Điều tra ngày 02/02/2018 chỉ rõ: Việc quyết định mua Công ty Cao Huân, Bùi Duy Nghĩa và Trịnh Quốc Toàn không xin ý kiến của Bộ VHTT&DL trước khi thực hiện; không được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ VHTT&DL; không có báo cáo xin ý kiến Đại hội đồng cổ đông; không thuê cơ quan có tư cách pháp nhân để thẩm định giá trị tài sản của Công ty Cao Huân mà chỉ dựa trên thông tin khảo sát trên thị trường, trên mạng Internet và tự ý quyết định mua...

 

Mai Phương