Bộ GD&ĐT sẽ xem xét áp dụng các biện pháp, chế tài đối với vi phạm của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội

Mai Phương

08/03/2024 16:28

Ngày 06/11/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT) đã có văn bản số 6167/BGDĐT-TCCB gửi Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội về việc tổ chức và hoạt động của trường, trong đó có việc hoàn thiện Hội đồng trường.

Về căn cứ pháp lý, văn bản số 6167/BGDĐT-TCCB của Bộ GD&ĐT nêu rõ: Điều 16a Luật Giáo dục đại học năm 2012 (sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2018) quy định về nhà đầu tư, trách nhiệm và quyền hạn của nhà đầu tư của cơ sở giáo dục đại học tư thục.

Điều 17 Luật Giáo dục đại học năm 2012 (sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2018) đã quy định rõ về thành phần, số lượng thành viên hội đồng trường, tiêu chuẩn chủ tịch hội đồng trường, trách nhiệm và quyền hạn của hội đồng trường của cơ sở giáo dục đại học tư thục.

Khoản 11 Điều 5 Luật Giáo dục năm 2019 quy định: “Nhà đầu tư là tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động đầu tư trong lĩnh vực giáo dục bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước gồm nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài”.

Điều 8 Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đã quy định về thủ tục thành lập hội đồng trường, công nhận hội đồng trường, công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm chủ tịch hội đồng trường, công nhận hiệu trưởng của trường đại học tư thục.

“Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội căn cứ các quy định hiện hành để thành lập Hội đồng trường theo quy định. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xem xét áp dụng các biện pháp, chế tài đối với các hành vi vi phạm của Trường theo quy định của pháp luật” – văn bản số 6167/BGDĐT-TCCB của Bộ GD&ĐT nêu.

dh-kinh-doanh-va-cong-nghe-ha-noi-pld-1709393031.jpg
Bộ GD&ĐT yêu cầu Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội căn cứ các quy định hiện hành để thành lập Hội đồng trường.

Về việc chuyển đổi loại hình sang cơ sở giáo dục đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận, theo Bộ GD&ĐT thì sau khi có quyết định công nhận hội đồng trường và quyết định bổ nhiệm hiệu trưởng của trường đại học tư thục theo quy định, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội nghiên cứu, đề xuất việc chuyển đổi cơ sở giáo dục đại học tư thục sang cơ sở giáo dục đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 99/2019/NÐ-CP.

Đối với việc giải quyết tranh chấp tài chính, tài sản, Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ không có thẩm quyền giải quyết. “Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các bên có liên quan tại Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật” – văn bản số 6167/BGDĐT-TCCB của Bộ GD&ĐT nêu rõ.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 671/QĐ-TTg ngày 03/6/2019 về việc chuyển đổi Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội sang loại hình trường đại học tư thục. Thế nhưng, đến tháng 11/2023 – thời điểm Bộ GD&ĐT ban hành văn bản số 6167/BGDĐT-TCCB, Trường vẫn chưa thành lập Hội đồng trường của cơ sở giáo dục đại học tư thục theo quy định.

Và cho đến thời điểm hiện tại, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cũng chưa thực hiện theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT, chưa có quyết định công nhận Hội đồng trường và quyết định bổ nhiệm Hiệu trưởng của trường đại học tư thục theo quy định.

Đáng chú ý hơn, ngày 18/01 vừa qua, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã tổ chức trao bằng tốt nghiệp cho sinh viên, tuy nhiên bằng chính thức thì sinh viên vẫn chưa nhận được. Điều này không tránh khỏi những băn khoăn, thắc mắc của nhiều sinh viên.

Để có được những thông tin đa chiều, xác thực, phóng viên Tạp chí Nhà Quản Lý đã liên hệ với Ban Giám hiệu Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cũng như Bộ GD&ĐT từ cuối tháng 1/2024. Nhưng đến nay, trải qua hơn 1 tháng, phóng viên vẫn chưa được các đơn vị hồi âm về lịch làm việc.

Theo khoản 4 Điều 7 Nghị định 04/2021/NĐ-CP ngày 22/01/2021 của Chính phủ về vi phạm quy định về tổ chức quản lý cơ sở giáo dục được quy định:

“4. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi không thành lập hội đồng trường của cơ sở giáo dục đại học theo quy định của pháp luật hiện hành.”

Bên cạnh đó, tại điểm b, khoản 3, Điều 3 Nghị định 04/2021/NĐ-CP ngày 22/01/2021 của Chính phủ quy định hình thức xử phạt và mức tiền phạt trong lĩnh vực giáo dục:

“Điều 3: Hình thức xử phạt và mức tiền phạt trong lĩnh vực giáo dục

...

b) Mức phạt tiền quy định tại Chương II của Nghị định này được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức, trừ quy định tại khoản 5 Điều 9, khoản 2 Điều 11, khoản 1 và các điểm a, b, c, d, e khoản 3 Điều 14, điểm b khoản 3 Điều 21, khoản 1 Điều 23, khoản 1 Điều 29 của Nghị định này là mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Cùng một hành vi vi phạm hành chính, mức phạt tiền đối với cá nhân bằng một phần hai mức phạt tiền đối với tổ chức.”

Mai Phương