Điện toán đám mây làm thay đổi giới kinh doanh như thế nào?

caodung

07/02/2020 14:16

Điện toán đám mây đang là xu hướng mà các công ty ở mọi quy mô theo đuổi, vì những lợi ích giúp tăng năng suất làm việc, giảm chi phí đầu tư và vận hành.

Các công ty lớn nhỏ đang nhanh chóng chọn áp dụng công nghệ đám mây, để có thể tiếp cập với khả năng xử lý máy tính và lưu trữ phân tán. Một thăm dò ý kiến năm 2016 cho thấy 41% các doanh nghiệp được khảo sát có kế hoạch tăng thêm chi phí cho các công nghệ đám mây. Các công ty lớn thậm chí còn nhanh chân hơn các công ty nhỏ trong xu hướng này. 51% các công ty lớn và trung bình có kế hoạch nới rộng chi tiêu cho công nghệ đám mây so với tỉ lệ 35% các công ty nhỏ. Tại sao tất cả đều quan tâm đến “đám mây” như vậy?

Công nghệ đám mây có thể cải thiện hoạt động và hỗ trợ khách hàng trong khi chi phí được tiết kiệm và nhân viên được làm việc từ xa. Tính kinh tế và thuận lợi của công nghệ đám mây là lý do chính tại sao 64% các công ty được khảo sát cho biết họ sẽ tăng ngân sách cho các dịch vụ điện toán đám mây.

Ảnh: Industry Wired
Ảnh: Industry Wired

1. Cải thiện hoạt động

Công nghệ đám mây cho phép các công ty điều chỉnh các giải pháp máy tính tùy theo tình hình phát triển kinh doanh. Không còn những ngày phải dự đoán xem cần mua bao nhiêu máy chủ. Không ai còn phải cất máy chủ trong tủ hoặc tìm thêm không gian văn phòng khi mở rộng kinh doanh. Thay vào đó, các công ty đơn giản chỉ cần thay đổi mức sử dụng với nhà cung cấp dịch vụ đám mây như Amazon Web Services hoặc Microsoft Azure.

Nhà cung cấp sẽ phân bổ thêm không gian và thu thêm phí.  Tuy nhiên, nếu nhu cầu nguồn lực máy tính giảm, công ty cũng được phép giảm mức sử dụng. Công nghệ đám mây tương thích với nhu cầu xử lý máy tính của doanh nghiệp. Với các doanh nghiệp lớn, công nghệ đám mây đang mở ra một nguồn chứa đựng các ứng dụng mới. Theo Business Inside, Toyota đang tận dụng công nghệ đám mây để biến chiếc xe thành một “nền tảng kết nối”. Công ty ô tô này dùng Microsoft Azure để chứa nguồn các ứng dụng kết nối chiếc xe với Facebook hoặc tặng “điểm môi trường” nếu chủ xe sử dụng xe điện. Những ứng dụng này là một giá trị gia tăng tuyệt vời cho khách hàng. Chúng có thể hoạt động được là nhờ công nghệ đám mây.

2. Hỗ trợ khách hàng hiệu quả hơn

Công nghệ đám mây không chỉ cho phép các công ty tạo ra nhiều ứng dụng giá trị hơn cho khách hàng, mà còn hỗ trợ khách hàng tốt hơn. Chuỗi ngày cần có người trực điện thoại công ty từ sáng tới chiều đã qua. Khách hàng muốn được tư vấn và mua hàng bất cứ thời gian nào trong ngày. Công nghệ đám mây có thể thực hiện được điều này.

Nhân viên trên khắp thế giới có thể tiếp cận các thông tin và dịch vụ tương tự để hỗ trợ khách hàng vào bất cứ thời gian nào trong ngày. Đám mây cung cấp một hệ thống linh hoạt giúp kết nối khách hàng với nhân viên thông qua thiết bị di động, laptop hoặc máy tính để bàn. Đám mây cũng giúp việc chia sẻ thông tin với khách hàng dễ dàng hơn.

Nhờ đám mây, giờ đây các công ty nhỏ có thể cung cấp loại thông tin băng thông rộng, chất lượng cao mà khách hàng yêu thích, chẳng hạn như các video hướng dẫn. Lưu trữ trung tâm cho các video hoặc thông tin hữu ích khác cũng đơn giản như việc nâng cấp dịch vụ đám mây để đảm bảo đường truyền. Thậm chí những công ty nhỏ cũng có thể khiến khách hàng trầm trồ với nội dung trang web chất lượng cao.

3. Cung cấp nơi làm việc linh hoạt

Nhân viên cũng được hưởng lợi khi công ty chọn giải pháp đám mây. Khi tất cả thông tin công việc được lưu trữ trên đám mây, họ có thể làm việc ở nhà. Số người lao động làm việc từ xa đã tăng từ 9% năm 1995 lên đến 37% năm 2015, theo một thăm dò ý kiến của Gallup. Vì nhiều công ty bắt đầu chọn dùng công nghệ đám mây từ đầu những năm 2010, nên có thể chính công nghệ này đã tạo điều kiện cho việc thay đổi nơi làm việc ở trên. Một người lao động bây giờ làm việc từ xa 2 ngày/tháng. Nhờ vào điện toán đám mây, người này có thể sử dụng các thiết bị và văn phòng phẩm ở nhà như ý mình thích. Xu hướng “mang theo thiết bị của chính bạn” có thể thành hiện thực là nhờ đám mây. Đám mây thực sự cho phép toàn văn phòng hiện diện trong ngôi nhà của bất kỳ nhân viên nào.

4. Tiết kiệm chi phí cơ sở hạ tầng

Khi nhân viên làm việc từ xa bằng cách sử dụng chính thiết bị của mình, các công ty có thể hưởng lợi từ việc giảm chi phí cơ sở hạ tầng. Số bàn làm việc cần mua giảm đi khi nhân viên có thể luân chuyển làm việc giữa văn phòng và nhà mình. Nhiều start-up, bao gồm Zapier, đang thử nghiệm với mô hình làm việc từ xa hoàn toàn. Mô hình kinh doanh này không đòi hỏi duy trì mặt bằng văn phòng, điều này giúp tiết kiệm được rất nhiều chi phí. Dễ hiểu khi những start-up như Zapier chọn đám mây vì công nghệ này làm giảm chi phí khởi nghiệp. Chi phí hạ tầng cho máy chủ và máy tính được phân bổ cho mỗi người kết nối thông qua dịch vụ cung cấp như Azure và AWS.

Các start-up và doanh nhân cũng có thể hưởng lợi từ dịch vụ dựa trên nền tảng đám mây, thường được tích hợp mượt mà thông qua các API (Giao diện lập trình ứng dụng). Một công ty có thể dễ dàng tích hợp phần mềm kế toán với phần mềm quản lý khách hàng. Nhiều công ty cung cấp phần mềm như một dịch vụ (SaaS) nhấn mạnh đây là lợi ích cho khách hàng. Giống như bất kỳ công nghệ dựa trên điện toán đám mây nào, có thể điều chỉnh mức độ sử dụng những dịch vụ này, để các doanh nghiệp có thể bắt đầu bằng một dịch vụ giá rẻ và ít tính năng hơn sau đó mở rộng dịch vụ khi việc kinh doanh phát triển.

5. Lưu trữ dữ liệu an toàn

Khi các công ty, ở mọi quy mô, bắt đầu chọn sử dụng các dịch vụ dựa trên nền tảng điện toán đám mây, bảo mật là vấn đề gây lo lắng chính. Tuy nhiên, các dịch vụ đám mây đang bắt đầu cải thiện bảng điểm an toàn. Một khảo sát của RightScale cho thấy bảo mật không còn là mối lo ngại hàng đầu của các công ty khi chọn dùng dịch vụ đám mây nữa. Các công ty cung cấp dịch vụ phải nâng tầm trận đấu của mình lên để hỗ trợ được cho những người chơi lớn như Toyota. Biến một chiếc xe thành công cụ kết nối có thể gây ra nguy hiểm nếu dữ liệu đó bị xâm phạm. Giám đốc IT của Toyota nhấn mạnh rằng việc Microsoft chú ý đến bảo mật là lý do chính hãng xe này chọn nền tảng này cho các ứng dụng đám mây của mình. Trong khi bảo mật vẫn còn là nỗi trăn trở của vài công ty, các dịch vụ cung cấp đang liên tục nâng cấp các biện pháp bảo mật để đáp ứng nhu cầu.

6. Tăng năng suất

Đầu tư vào đám mây cho phép các doanh nghiệp đầu tư kho lưu trữ trung tâm cho tất cả các dữ liệu, giao tiếp và xử lý kinh doanh. Với một trạm kết nối trung tâm này, các nhân viên có thể làm việc ở bất kỳ nơi nào trên thế giới, bằng cách sử dụng bất kỳ một thiết bị kết nối internet nào mà họ thích. Nhân viên và khách hàng có thể kết nối thông qua đám mây 24/7 để đem lại dịch vụ tốt hơn. Các công ty cũng có thể tiết kiệm chi phí thông qua việc tích hợp các công nghệ đám mây. Một phần mềm kế toán đám mây có thể dễ dàng liên kết với phần mềm quản lý khách hàng. Việc tích hợp này đem lại hiệu quả cao. Nhiều start-up đang tận dụng những dịch vụ này để điều chỉnh cho phù hợp với quy mô tăng trưởng của mình. Việc nâng cấp cũng đơn giản như điều chỉnh chi phí dịch vụ. Mặc dù là công nghệ tương đối mới, các dịch vụ đám mây cũng đã và đang thay đổi phương thức vận hành kinh doanh bằng cách tạo ra năng suất cao hơn.

Theo Ring Central

caodung