Ngành bán lẻ Việt Nam - hai thập kỷ tăng trưởng bền bỉ

Nguyễn Hùng

13/06/2019 11:36

Liên tục tăng trưởng hơn 10% mỗi năm trong 19 năm, doanh số bán lẻ năm tháng đầu năm 2019 của Việt Nam đã gần bằng con số cả năm 2011, tương đương 85 tỉ USD.

Với tốc độ tăng trưởng này, Việt Nam chỉ mất khoảng 6-7 năm để tăng doanh số bán lẻ lên gấp đôi. Bán lẻ đang là một trong những ngành có tốc độ tăng trưởng cao và bền bỉ nhất hiện nay.

 

Bán lẻ là một trong những ngành có mức tăng trưởng mạnh mẽ và bền bỉ nhất.
Bán lẻ là một trong những ngành có mức tăng trưởng mạnh mẽ và bền bỉ nhất.

 

 

 

Trong báo cáo về ngành bán lẻ Việt Nam 2019, Deloitte nhận định, so với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam có tỷ lệ tăng trưởng tầng lớp trung lưu nhanh nhất, tạo tiền đề cho lĩnh vực bán lẻ phát triển.

Tăng trưởng trong ngành bán lẻ được hỗ trợ bởi hoạt động thâu tóm sáp nhập (M&A), thu hút sự tham gia của các chuỗi bán lẻ, quỹ đầu tư trong và ngoài nước.

Chỉ trong vòng sáu tháng kể từ đầu tháng 10.2018, tập đoàn Vingroup đã thực hiện thâu tóm 23 siêu thị của chuỗi Fivimart và gần đây là 87 cửa hàng của chuỗi Shop&Go.

Thế giới di động, công ty dẫn đầu thị trường bán lẻ điện thoại, trước đó cũng chọn cách M&A để mở rộng chuỗi bán lẻ điện máy thông qua việc mua lại chuỗi Trần Anh. M&A cũng là hình thức mà các tập đoàn nước ngoài chọn để tiến vào thị trường Việt Nam, điển hình là thương vụ ông lớn bán lẻ Thái Lan - Central Group hoàn thành việc mua lại chuỗi siêu thị BigC năm 2016, chuỗi điện máy Nguyễn Kim hồi năm 2015 hay TCC Holdings của Thái Lan mua lại chuỗi siêu thị Metro năm 2016.

Mekong Capital, quỹ đầu tư vốn tư nhân (private equity) từng thắng lớn trong những thương vụ đầu tư vào Thế giới di động, PNJ, hay Traphaco cho biết, khẩu vị đầu tư của quỹ này tại Việt Nam là bán lẻ. Mekong Capital dành phần lớn nguồn lực để tập trung vào các công ty bán lẻ. Những thương vụ đầu tư công bố gần đây của quỹ này như chuỗi F&B Pizza 4P's, chuỗi bán lẻ trang sức Precita, hay hợp tác với chuỗi bán lẻ dược phẩm Pharmacity. Thị trường bán lẻ Việt Nam hiện có 13 doanh nghiệp nội địa cùng 17 doanh nghiệp nước ngoài tham gia kinh doanh theo chuỗi các cửa hàng, theo thống kê chưa đầy đủ của Deloitte.

Trong những biến động của kinh tế thế giới, ảnh hưởng bởi các yếu tố như chiến tranh thương mại, kinh tế Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định, bình quân trên 6%/năm.

Các trung tâm thương mại tích hợp nhiều dịch vụ vẫn đang thu hút lượng lớn khách hàng (Ảnh: Bảo Zoãn)
Các trung tâm thương mại tích hợp nhiều dịch vụ vẫn đang thu hút lượng lớn khách hàng (Ảnh: Bảo Zoãn)

Số liệu của Tổng cục thống kê cho thấy, nếu tính riêng mảng bán lẻ hàng hoá, doanh số năm tháng đầu năm 2019 đạt gần 66 tỉ USD, tăng 12,7% trong đó Bình Dương, Quảng Ninh, Quảng Nam, Thanh Hoá, Hải Phòng, Thái Nguyên Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh có mức tăng trưởng cao hơn mức bình quân. Dư địa không còn nhiều và cạnh tranh ngày càng khốc liệt tại các khu trung tâm, thành phố cấp một khiến các doanh nghiệp bán lẻ bắt đầu tìm kiếm tăng trưởng tại các khu ngoại ô và thành phố cấp hai.

Xu hướng dịch chuyển sản xuất về Việt Nam cũng thúc đẩy quá trình đô thị hóa - một trong những yếu tố thay đổi bộ mặt ngành bán lẻ Việt Nam. Báo cáo của Cục đầu tư nước ngoài cho thấy, lượng vốn đổ vào ngành chế biến chế tạo luôn chiếm áp đảo, tới hơn 70% trong tổng số vốn đăng ký tạo động lực cho quá trình hình thành các đô thị mới, bên cạnh các thành phố như Hà Nội và TP.HCM.

Dâng Phạm

Nguyễn Hùng