Thương vụ lớn nhất của ngân hàng Hàn Quốc tại Việt Nam

dang.pham

23/07/2019 12:58

KEB Hana Bank sẽ chi gần 20.300 tỉ đồng, tương ứng khoảng 880 triệu USD để mua 15% cổ phần Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).

Ngày 22.7.2019, BIDV công bố bán hơn 600 triệu cổ phần phát hành thêm cho ngân hàng KEB Hana Bank đến từ Hàn Quốc. Với giá trị 800 triệu USD, Reuters đánh giá đây là thương vụ có giá trị lớn nhất của một ngân hàng Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam. KEB Hana Bank cũng là một trong những ngân hàng thương mại lớn nhất tại Hàn Quốc.

BIDV Tower tại Hà Nội (Ảnh: Savills)
BIDV Tower tại Hà Nội (Ảnh: Savills)

BIDV hiện là ngân hàng có vốn hóa và tổng giá trị tài sản lớn thứ hai trong hệ thống ngân hàng tại Việt Nam, sau Vietcombank. Tính đến cuối năm 2018, tổng tài sản của ngân hàng đạt trên 56 tỉ USD cùng mạng lưới hơn 1.000 chi nhánh và phòng giao dịch.

Trước đó, Đại hội cổ đông thường niên của BIDV thông qua phương án tăng vốn điều lệ lên khoảng 17%, tương ứng hơn 40.200 tỉ đồng thông qua hình thức phát hành cổ phần mới cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.

Cùng với Vietcombank, Vietinbank và Agribank, đến năm 2020, BIDV phải thực hiện việc tăng vốn điều lệ để đảm bảo tỉ lệ an toàn vốn theo chuẩn mực Basel II, theo kế hoạch từ Quyết định số 1058/QĐ-TTg và Quyết định số 986/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành năm ngoái. Trong đó, Nhà nước sẽ nắm giữ tối thiểu 65% quyền biểu quyết và 50% vốn điều lệ tại bốn ngân hàng này.

“Nếu không tăng được vốn điều lệ, các ngân hàng này sẽ phải giảm tốc độ tăng trưởng tín dụng, ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng cung ứng vốn phục vụ nền kinh tế, từ đó có thể ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế, giảm thu ngân sách từ thuế; đồng thời có nguy cơ vi phạm tỷ lệ an toàn vốn, bị sụt giảm tỷ lệ an toàn ảnh hưởng xấu đến an toàn hoạt động, mức xếp hạng tín nhiệm quốc tế, uy tín trên thị trường; hạn chế vai trò chủ lực của các ngân hàng này trong toàn hệ thống”, - theo BIDV - trích dẫn báo cáo của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.

Phát hành cổ phần chỉ là một trong những phương án để BIDV tăng vốn điều lệ. BIDV cũng đệ trình lên mong muốn “Nhà nước cho phép giữ lại lợi nhuận hàng năm hoặc chia phần cổ tức của Nhà nước bằng cổ phiếu để tăng vốn, giải quyết phần nào những khó khăn, vướng mắc, cản trở hiện nay”. Xuất phát là một ngân hàng quốc doanh, hiện tại Ngân hàng Nhà nước đang nắm khoảng 95% cổ phần tại BIDV, theo báo cáo thường niên 2018.

Việt Nam gia nhập ngày càng sâu rộng với các đối tác thương mại toàn cầu mà gần đây nhất là Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Trong khi các ngân hàng quốc tế đã đạt tới chuẩn Basel III và đang hướng đến chuẩn Basel IV thì các ngân hàng Việt Nam, trong đó có BIDV đang hướng đến chuẩn Basel II, mà một trong các tiêu chuẩn cần được đáp ứng là tăng vốn điều lệ.

BIDV được thành lập từ năm 1957 và chính thức niêm yết vào năm 2014 tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM.

Dâng Phạm

dang.pham