Doanh thu trên mỗi cửa hàng của Starbucks vượt xa The Coffee House

dang.pham

24/06/2019 08:44

Trung bình mỗi tháng, mỗi cửa hàng của Starbucks thu về trên 1 tỉ đồng. Khả năng kiểm soát chi phí tốt cũng đem lại hiệu quả cao cho cửa hàng.

Số liệu công bố gần đây của công ty nghiên cứu thị trường tại Việt Nam VIRAC cho thấy, mặc dù quy mô của Starbucks chưa thực sự lớn so với các chuỗi thức uống khác như Highlands, The Coffee House hay Phúc Long nhưng doanh thu bình quân trên mỗi cửa hàng lại đang dẫn đầu tại thị trường Việt Nam.

Starbucks Việt Nam có 49 cửa hàng tại ba thành phố của Việt Nam gồm TP.HCM, Đà Nẵng, Hà Nội. Trong khi đó, Highlands Coffee đang có số lượng cửa hàng gấp gần năm lần so với Starbucks Việt Nam, với 240 cửa hàng. The Coffee House cũng có 145 cửa hàng, gần gấp ba lần so với Starbucks Việt Nam.

Kết quả kinh doanh của top 3 chuỗi cửa hàng thức uống tại Việt Nam trong năm 2018 - Nguồn: VIRAC (Đơn vị: tỉ đồng)
Kết quả kinh doanh của top 3 chuỗi cửa hàng thức uống tại Việt Nam trong năm 2018 - Nguồn: VIRAC (Đơn vị: tỉ đồng)

Tuy nhiên, tổng doanh thu năm 2018 của Highlands ở mức 1.600 tỉ đồng, tương ứng với mức doanh thu bình quân mỗi tháng trên mỗi cửa hàng ở mức 556 triệu đồng. The Coffee House thậm chí còn thấp hơn, chỉ đạt khoảng 400 triệu đồng/quán/tháng.

Theo quan sát, cùng một địa điểm tương tự tại tầng trệt của TTTM, với diện tích cửa hàng dưới 100 m2, Starbucks sẽ có khoảng bốn nhân viên đứng quầy, trong khi Phúc Long là 8 nhân viên. Chi phí nhân viên là một trong những chi phí cao nhất trong việc vận hành ngành F&B, chiếm khoảng 25%-30% trên tổng doanh thu của một chuỗi cửa hàng, theo nghiên cứu của Oracle, một công ty quốc tế chuyên nghiên cứu lĩnh vực F&B. Mức giá chung của Starbucks cũng cao hơn các chuỗi còn lại. Giá một ly cà phê Starbucks tại Việt Nam vào khoảng từ 50.000-220.000 đồng/ly trong khi các quán khác như Phúc Long hay Highlands sẽ có giá tối đa vào khoảng 70.000 đồng/ly.

Số lượng các cửa hàng của ba chuỗi The Coffee House, Highlands và Starbucks tại Việt Nam (Nguồn: VIRAC)
Số lượng các cửa hàng của ba chuỗi The Coffee House, Highlands và Starbucks tại Việt Nam (Nguồn: VIRAC)

Cuộc chơi mở chuỗi F&B vẫn là bài toán về kiểm soát chặt chẽ sự cân bằng giữa chi phí và doanh thu. Mới đây, Phúc Long đã đóng cửa một trong những cửa hàng “flagship” - lâu đời nhất của chuỗi ngay tại vòng xoay Phù Đổng, quận 1, TP.HCM, ngay cạnh mặt tiền của Starbucks.

Một cửa hàng Starbucks tại chân tòa nhà Landmark 81 - TP.HCM - Ảnh: Bảo Zoãn/Nhà quản lý
Một cửa hàng Starbucks tại chân tòa nhà Landmark 81 - TP.HCM thu hút lượng lớn khách hàng là nhân viên văn phòng trong toà nhà - Ảnh: Bảo Zoãn/Nhà quản lý

Theo một nghiên cứu công bố hồi tháng 10.2018 của công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel, với các chuỗi cửa hàng như The Coffee House, Phuc Long and Highlands, khoảng một nửa lượng khách hàng chọn các thức uống cà phê, trong khi một nửa còn lại sẽ chọn các món như trà, nước trái cây, nước ngọt có ga.

Đa số khách hàng trẻ cho biết, họ chọn The Coffee House là nơi để sử dụng các tiện ích như wifi, nhà vệ sinh, máy lạnh để làm việc, nghỉ trưa hoặc ngồi học mà không bị giới hạn về thời gian. Trong khi đó, trong khoảng thời gian hai giờ, có khoảng ba nhóm khách hàng đi và đến ngồi tại một vị trí.

Nếu chuỗi The Coffee House chọn vị trí thuần túy trên các mặt đường thì một số chuỗi khác như Highlands, Phúc Long hay Starbucks chọn kết hợp với các vị trí tại trung tâm thương mại, xu hướng đi theo mô hình shophouse (hình thức căn hộ nhà ở kết hợp với cửa hàng thương mại). Tùy vào nhu cầu mà khách quyết định chọn những địa điểm như The Coffee House hay Highlands. Một khách hàng cho biết, làm việc ngay tại trung tâm thương mại, sự lựa chọn phù hợp nhất của khách hàng này là đến một quán ngay tại địa điểm đó để kết hợp làm việc.

Dâng Phạm

dang.pham